Ngày 10-5, trong một phát biểu dường như báo hiệu những rạn nứt nhất định trong quan hệ đồng minh, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố Châu Âu không còn phụ thuộc vào sự bảo vệ của Mỹ.
Trang mạng Sputnik của Nga dẫn phát biểu trước báo giới của bà Merkel nêu rõ: “Đã không còn nữa việc Mỹ đương nhiên bảo vệ chúng tôi. Châu Âu phải nắm bắt vận mệnh trong chính đôi tay của mình. Đó là nhiệm vụ của tương lai”.
Tuyên bố trên được đưa ra 2 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phớt lờ những lời kêu gọi của các đồng minh Châu Âu rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân JCPOA mà nhóm P5+1 ký với Iran hồi năm 2015.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Daily Express |
Chia sẻ quan điểm trên, cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cũng cho rằng, Washington “đã đánh mất sức mạnh, và vì thế, sẽ không còn sự chi phối về dài hạn”.
Trước đó, Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA, đồng thời cam kết sẽ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc nhất nhằm vào Cộng hòa Hồi giáo Iran liên quan tới chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Tehran.
Quyết định này đã vấp phải sự bất bình của Anh, Pháp và Đức - ba nước đồng minh Châu Âu quan trọng của Washington và cũng là các bên ký thỏa thuận hạt nhân Iran, tên chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Thủ tướng Đức Merkel khẳng định, Berlin sẽ tiếp tục có trách nhiệm với thỏa thuận hạt nhân JCPOA, ký giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp và Đức).
Phát biểu tại một cuộc họp của ban lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo Đức (CDU) ở Berlin ngày 9-5, Thủ tướng Merkel phê phán quyết định của Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi JCPOA, đồng thời nhấn mạnh Đức cam kết tiếp tục duy trì thỏa thuận và sẽ nỗ lực hết sức để Iran vẫn tuân thủ trách nhiệm theo những cam kết đã ký. Theo Thủ tướng Merkel, Đức, Pháp và Anh rất "quan ngại" và "lấy làm tiếc" về quyết định của Mỹ đối với một thỏa thuận đạt được sau tiến trình đàm phán tốn rất nhiều công sức.
Nhà lãnh đạo Đức cũng cảnh báo, JCPOA là "một trụ cột quan trọng không thể nghi ngờ", rằng quyết định của Tổng thống Trump cũng cho thấy Châu Âu cần phải tự đảm trách nhiều trách nhiệm hơn về chính sách an ninh và đối ngoại trong tương lai. Bên cạnh đó, Thủ tướng Merkel cũng bày tỏ quan ngại về chương trình tên lửa đạn đạo của Iran cũng như vai trò của Tehran ở khu vực, như trong cuộc xung đột ở Syria và Iraq.
Theo bà, cần phải thảo luận các vấn đề này với giới chức Iran. Trước đó, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert tuyên bố, Berlin sẽ phải xem xét hậu quả từ quyết định của Tổng thống Mỹ đối với các doanh nghiệp Đức. Trong khi đó, Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do Đức (FDP) Christian Lindner đề xuất triệu tập một hội nghị thượng đỉnh bất thường của Liên minh Châu Âu (EU) để đi tới một quan điểm thống nhất liên quan JCPOA.
Trong khi đó, hôm 9-5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Hai bên đã nhất trí hợp tác hướng tới việc tiếp tục thực thi thỏa thuận hạt nhân. Tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Pháp nêu rõ, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí theo đuổi nỗ lực chung với tất cả quốc gia liên quan, với mục tiêu tiếp tục thỏa thuận hạt nhân và duy trì ổn định khu vực.
Ngoài ra, ông Macron cũng khẳng định với Tổng thống Rouhani về mong muốn của Pháp duy trì sự tồn tại của JCPOA và hối thúc Tehran thực hiện điều tương tự.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland tuyên bố, nước này ủng hộ việc duy trì thỏa thuận hạt nhân JCPOA, cho rằng, đây là công cụ hữu hiệu ngăn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, phát biểu ngày 10-5, Phó Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Tướng Hossein Salami, cho rằng, các quốc gia Châu Âu không có khả năng cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran.
Trao đổi với báo giới, Phó Tư lệnh Salami nhận định, bất chấp việc Anh, Pháp và Đức khẳng định vẫn duy trì thỏa thuận, "Châu Âu không thể hành động độc lập về thỏa thuận hạt nhân". Quan chức này cho rằng, những quốc gia chống lại Iran đang muốn gây sức ép đối với nước này bằng cách cô lập kinh tế, đồng thời nhấn mạnh "phản kháng là cách duy nhất đối mặt với kẻ thù, không phải ngoại giao".
Trước đó, Anh, Pháp và Đức đã tiến hành một chiến dịch thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, nỗ lực này đã thất bại khi ông Trump ngày 8-5 tuyên bố Mỹ rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt vốn đã được nới lỏng để Iran từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.
Cùng ngày, hãng Interfax dẫn phát biểu của Thứ trưởng Nga Sergei Ryabkov khẳng định cam kết của Moskva trong việc tiếp tục tăng cường quan hệ sâu sắc với Tehran bất chấp việc Mỹ rút khỏi JCPOA và áp đặt các lệnh trừng phạt mới.
Bộ Ngoại giao Nga trước đó đã bày tỏ "vô cùng thất vọng" trước quyết định của Tổng thống Trump, cho rằng Mỹ đang hủy hoại niềm tin quốc tế vào Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Moskva cũng khẳng định sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác với các bên còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân, đồng thời sẽ tiếp tục tích cực phát triển quan hệ song phương với Iran.
Sau thỏa thuận hạt nhân Iran được ký ngày 14-7-2015, các doanh nghiệp phương Tây đã đổ xô vào thị trường 80 triệu dân gần như chưa được khai thác này của Iran. Ngoài các hợp đồng máy bay trị giá hàng tỷ USD, Iran cũng ký kết nhiều thỏa thuận giá trị lớn về khai thác dầu mỏ và chế tạo ô tô với nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, trước việc Mỹ rút khỏi JCPOA và cảnh báo sẽ tái áp đặt các lệnh trừng phạt, các tập đoàn này đều cho biết sẽ phải xem xét lại kế hoạch làm ăn với Iran.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.