Thế giới

Kinh tế Mỹ xuất hiện xu hướng giảm tốc

Quỳnh Dương 28/04/2024 - 07:22

Sau một thời gian ngắn tạm ổn định, nền kinh tế Mỹ lại có dấu hiệu đuối sức trong quý I-2024.

Kim ngạch nhập khẩu tăng vọt để đáp ứng nhu cầu chi tiêu, tiêu dùng mạnh mẽ làm tăng thâm hụt thương mại, lượng hàng tồn kho trong nước nhiều thêm. Trong khi đó, lạm phát vẫn theo đà “phi mã” khiến kỳ vọng của các nhà đầu tư vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trước tháng 9 hầu như không còn khả năng xảy ra.

my-2.jpg
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ tăng 3,4% trong quý I-2024. Ảnh: Zuma Press

Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ ngày 26-4 cho biết, trong quý I-2024, nền kinh tế nước này đạt mức tăng trưởng 1,6% - tốc độ chậm nhất trong gần hai năm qua. Không chỉ thấp hơn nhiều so với dự báo, kết quả tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) còn cho thấy xu hướng giảm tốc. Ngoài nhập khẩu tăng mạnh, chi tiêu công và đầu tư trong lĩnh vực tư nhân giảm cũng gây sức ép lên GDP. Theo các chuyên gia, thương mại và hàng tồn kho là những thành phần GDP dễ biến động nhất, thường phải điều chỉnh khi chính phủ cập nhật ước tính tăng trưởng.

Trên thực tế, rào cản tăng trưởng nhập khẩu và tình trạng hàng tồn kho đã xuất hiện từ đầu năm 2022, khi GDP Mỹ giảm trong nửa đầu năm khiến nhiều người dự đoán suy thoái kinh tế sắp xảy ra. Fed sẽ phải quan sát thêm những khía cạnh khác để xác định xem nền kinh tế có thực sự suy yếu hay không, chẳng hạn như dữ liệu việc làm và dữ liệu lạm phát hằng tháng.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát quan trọng, đã tăng với tốc độ 3,4% trong quý I, mức tăng lớn nhất trong một năm so với chỉ số 1,8% ghi nhận trong quý IV năm ngoái. Chỉ số PCE lõi không bao gồm thực phẩm và năng lượng tăng ở mức 3,7% trong quý I-2024. Cả hai chỉ số này đều cao hơn mục tiêu 2% do Fed đề ra.

Bản báo cáo được đưa ra trong bối cảnh thị trường đang lo lắng về triển vọng chính sách tiền tệ và thời điểm Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất cơ bản. Lãi suất quỹ liên bang, tức lãi suất điều hành của Fed đang ở mức 5,25-5,5%, cao nhất trong 23 năm mặc dù đã ngừng nâng lãi suất từ tháng 7-2023. Nhiều nhận định cho rằng, đây là một báo cáo xấu, với tốc độ tăng trưởng chậm hơn dự kiến và lạm phát cao hơn dự kiến. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư còn bi quan về việc cắt giảm lãi suất.

Ông David Donabedian, Giám đốc đầu tư của Công ty CIBC Private Wealth US nhận định, với tốc độ tăng trưởng chậm hơn và lạm phát cao hơn dự kiến, sắp đến lúc việc cắt giảm lãi suất bị đẩy hoàn toàn ra khỏi kỳ vọng của nhà đầu tư. Điều này sẽ khiến Chủ tịch Fed, Jerome Powell buộc phải thể hiện thái độ cứng rắn trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào thời gian tới.

Mặc dù những thông tin trên không khả quan, nhưng đổi lại, nhờ nhu cầu chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính và bảo hiểm, chi tiêu của người tiêu dùng, vốn chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế vẫn duy trì ở mức ổn định - 2,5% - dù tỷ lệ này đã chậm lại so với tốc độ 3,3% được ghi nhận trong quý từ tháng 10 đến tháng 12-2023. Tuy nhiên, dự báo cho thấy, chi tiêu có thể sẽ dần “hạ nhiệt” trong năm nay bởi các hộ gia đình có thu nhập thấp đã cạn kiệt tiền tiết kiệm sau đại dịch Covid-19 và phần lớn phải dựa vào những khoản nợ để trang trải cho việc mua sắm. Dữ liệu và đánh giá gần đây từ các giám đốc điều hành ngân hàng chỉ ra rằng, những người đi vay có thu nhập thấp đang ngày càng gặp khó khăn trong việc theo kịp các khoản thanh toán khoản vay của họ. Thu nhập của các hộ gia đình sau khi tính tỷ lệ lạm phát và thuế chỉ tăng ở mức 1,1% so với tốc độ 2% trong quý từ tháng 10 đến 12-2023.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại kết hợp với lạm phát gia tăng được gọi là lạm phát đình trệ. Báo cáo GDP mới nhất không chỉ khiến Fed đau đầu mà còn khiến các nhà đầu tư quan ngại. Bằng chứng là đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ hôm 25-4. Kết thúc phiên giao dịch vào ngày 26-4 (giờ Việt Nam), chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 375,12 điểm, hay 0,98%, xuống 38.085,8 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 mất 23,21 điểm, tương đương 0,46%, xuống 5.048,42 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 100,99 điểm, hay 0,64%, xuống 15.611,76 điểm. Đây là đợt giảm sâu nhất của thị trường chứng khoán Mỹ kể từ năm ngoái.

Trong ngắn hạn, những số liệu nói trên dường như không tạo tín hiệu tốt cho cả các nhà đầu cơ giá lên và giá xuống… Sự bấp bênh mà báo cáo mang tới càng không giúp giải tỏa những sức ép mà thị trường đang trải qua trong đợt giảm này. Điều đó có thể đặt ra trở ngại lớn cho các nhà hoạch định chính sách tiền tệ trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Mỹ xuất hiện xu hướng giảm tốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.