Quy hoạch

Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội: Định hướng để đô thị - nông thôn phát triển hài hòa

Bảo Hân 29/04/2024 - 06:18

Từ thực tiễn Hà Nội có tới 70% diện tích là khu vực nông nghiệp, nông thôn gắn với các vùng xanh. Các định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái và nông thôn hiện đại đã được chú trọng trong đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; là cơ sở để đô thị - nông thôn cùng phát triển hài hòa.

quy-hoach-1.jpg
Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, gắn với không gian xanh, sinh thái và hiện đại là cơ sở để đô thị - nông thôn cùng phát triển hài hòa. Trong ảnh: Diện mạo nông thôn mới khang trang ở xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng.

Tạo đặc trưng đô thị Thủ đô

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội tới năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 xác định rõ việc đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch, bám sát quy hoạch chuyên ngành thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Nông nghiệp Thủ đô được tiếp tục phát triển gắn với hình thành hành lang xanh bảo vệ môi trường và tạo hành lang kinh tế xanh.

Các cụm đổi mới, trung tâm sản xuất, cụm trang trại nông nghiệp công nghệ cao… được xây dựng, hình thành trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa cao, diện tích nông nghiệp thu hẹp. Cùng với đó là nhiệm vụ tiếp tục xây dựng hoàn thiện chương trình nông thôn mới; xây dựng mô hình thị trấn, làng sinh thái có mật độ thấp, nông nghiệp công nghệ cao và triển khai công tác phòng, chống thiên tai bảo đảm kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ, giảm thiểu thiệt hại. Các mô hình điểm dân cư bao gồm sản xuất lúa, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng rau an toàn, trồng cây ăn quả, trồng hoa và tiểu thủ công nghiệp, làng nghề.

Thông tin bổ sung về hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, kiến trúc sư Lê Hoàng Phương, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh, phát triển đô thị nông thôn hài hòa, hấp dẫn sẽ tạo nên đặc trưng đô thị Thủ đô; gắn với các yếu tố hiện đại, thông minh.

Định hướng này chú trọng khai thác nguồn lực khoa học công nghệ, tri thức và nhân lực chất lượng cao cũng như tiếp tục cụ thể hóa chiến lược hành lang xanh để chuyển đổi, bảo vệ và phát triển vùng nông thôn. Việc khai thác các tiềm năng thế mạnh về quỹ đất, sinh thái, văn hóa sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Ngoài ra, việc kiểm soát và bảo vệ môi trường sinh thái vùng nông thôn còn góp phần bổ trợ cho phát triển khu vực đô thị.

quy-hoach-2.jpg
Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo ra bước đệm cho nền nông nghiệp đô thị hiện đại. Trong ảnh: Chăm sóc rau thủy canh ứng dụng công nghệ cao tại xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì). Ảnh: Nguyễn Quang

Nông thôn xanh, hiện đại và thông minh

Từ yêu cầu đặt ra như trên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thi, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, định hướng quy hoạch không chỉ tập trung cho các đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh mà còn phải hình thành mạng lưới trung tâm cụm xã tại các huyện ngoại thành. Đó là các trung tâm dịch vụ tiêu dùng cấp cao, trung tâm thu gom và chế biến sản phẩm nông nghiệp, trung tâm du lịch, hỗ trợ các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Khu vực ngoại thành cần khai thác nông nghiệp đa mục tiêu; bên cạnh trồng trọt và chế biến, cần tích hợp với tiềm năng riêng có của từng vùng như phát triển du lịch nông nghiệp dựa trên khai thác bổ sung các giá trị văn hóa, di sản. Một số huyện có thể mở rộng khu công nghiệp như Thạch Thất, Phú Xuyên; trong đó, huyện Phú Xuyên cần ưu tiên mở rộng quy mô công nghiệp sạch để thúc đẩy cực phát triển kinh tế khu vực phía Nam.

Cùng với việc Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, thành phố cũng đang triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và lập 14 Quy hoạch xây dựng vùng huyện. Trong bối cảnh này, kiến trúc sư Lã Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, vấn đề đặt ra đối với Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội là cần cân nhắc kỹ lưỡng các chỉ tiêu để không tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ cấu trúc không gian cảnh quan hành lang xanh, nông nghiệp - nông dân - nông thôn tại nhiều huyện.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển tại các huyện, định hướng quy hoạch chỉ nên tập trung tối đa cho phát triển các thị xã, thị trấn, thị tứ, cụm động lực hiện có tại các huyện và thị xã của thành phố và bố trí các khu chức năng phù hợp mang tính kết nối hạ tầng vùng mà không nên phát triển đô thị ra bên ngoài Vành đai 4.

Các khu vực đô thị hóa cần bảo vệ và kiểm soát các công trình, không gian, hạ tầng có giá trị; phát triển hài hòa giữa làng xóm và khu vực đô thị hóa lân cận; kiểm soát chặt về chuyển đổi chức năng, mật độ xây dựng, chiều cao công trình. Tại khu vực thuần nông, nhiệm vụ đặt ra là xây dựng khung kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn đồng bộ, hiện đại, gắn kết với mạng lưới hạ tầng của vùng.

Đồng thời, đây cũng là khu vực cần giải quyết các vấn đề môi trường đô thị, nông thôn, tự nhiên và văn hóa xã hội. Các khu vực làng nghề, làng cổ cần đặt ra tiêu chí, tiêu chuẩn cùng cơ chế, chính sách thực hiện các mô hình bảo tồn thích ứng với từng khu vực.

Là Thủ đô song Hà Nội có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, việc tìm ra phương án quy hoạch và giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, gắn với không gian xanh, sinh thái và hiện đại là yêu cầu hết sức cần thiết. Khi được định hướng rõ nét trong các đồ án quy hoạch lớn, nông nghiệp, nông thôn Hà Nội sẽ được “dẫn đường” để thể hiện đúng vai trò, vị trí trong không gian đô thị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội: Định hướng để đô thị - nông thôn phát triển hài hòa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.