Trong ngày đầu của kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5, do một bộ phận người dân đã rời Thủ đô; nhiều cơ quan, công sở tạm ngừng làm việc nên lượng điện tiêu thụ ghi nhận giảm.
Bước vào đợt nắng nóng gay gắt của mùa hè, sản lượng điện tiêu thụ bắt đầu tăng mạnh. Theo Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI), sản lượng điện tiêu thụ trong ngày 26-4 lên đến 88 triệu kWh. Tuy nhiên, ngày 27-4, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, lượng điện tiêu thụ giảm còn 86 triệu kWh và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong hôm nay (28-4).
Tuy nhiên, Sở Công Thương và EVNHANOI cho hay, Hà Nội vẫn tiềm ẩn nguy cơ khó khăn về cung cấp điện trong thời gian cao điểm hè (từ tháng 5 đến tháng 7). Dự báo tăng trưởng phụ tải cao, khoảng 9,6% so với kế hoạch. Riêng miền Bắc dự kiến tăng kỷ lục 17% so với năm 2023.
Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, căn cứ vào dự báo tình hình khí tượng thủy văn và đánh giá mức độ khả dụng của các tổ máy phát nguồn điện, đã xây dựng các kịch bản thiếu điện. Theo đó, dự kiến công suất tiết giảm của Hà Nội khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn là khoảng 0,91-4,25% công suất đỉnh dự báo, tương đương 46-242MW.
Năm 2024, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch về phát triển điện lực, tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo đó, thành phố phấn đấu tiết kiệm từ 1,6% đến 1,8% so mức năng lượng dự báo nhu cầu.
Trong đó, thành phố tiết kiệm ít nhất 2,2% tổng điện năng tiêu thụ cho các khu vực tiêu dùng; phấn đấu phát triển năng lượng tái tạo tăng thêm khoảng 67MW từ điện rác (đưa tổ máy số 3 dự án nhà máy điện rác Sóc Sơn và dự án nhà máy điện rác Seraphin vào vận hành); phấn đấu giảm phụ tải đỉnh của hệ thống điện thành phố khoảng 100MW (không phải tiết giảm điện do thiếu nguồn).
Để thực hiện mục tiêu này, các đơn vị điện lực tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát vận hành hệ thống điện an toàn, hạn chế tối đa sự cố, bảo đảm nguyên tắc cân bằng, luân phiên, không để một phụ tải, khách hàng bị mất điện nhiều ngày và nhiều lần.
Đặc biệt, EVNHANOI liên tục khuyến cáo khách hàng, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cùng chung tay sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết và hạn chế sử dụng các thiết bị có công suất lớn vào khung giờ cao điểm từ 12h-15h và từ 22h-24h hằng ngày. Doanh nghiệp bố trí sản xuất vào khung giờ thấp điểm để góp phần giảm phụ tải, đồng thời tiết giảm chi phí tiền điện.
Các gia đình không sử dụng nhiều đồ dùng điện cùng một lúc để tránh quá tải lưới điện đồng thời đề phòng các nguy cơ gây cháy nổ lưới điện, trạm điện và khu dân cư. Rút phích cắm điện thiết bị không sử dụng.
Phát triển hệ thống điện mái nhà cũng là cách các doanh nghiệp, hộ gia đình có thể tự đáp ứng nhu cầu sử dụng điện và tiết kiệm chi phí tiền điện lâu dài.
Trên phạm vi cả nước, theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), nắng nóng gay gắt ở cả ba miền khiến cho nhu cầu điện liên tục tăng cao. Trong tuần từ ngày 15 đến 21-4, sản lượng trung bình ngày là 881,2 triệu kWh, cao hơn so với tuần trước khoảng 2,4 triệu kWh. Riêng miền Bắc phụ tải bình quân tuần qua tăng hơn 13 triệu kWh/ngày so với tuần trước do nắng nóng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.