Mạn trung lưu của dòng sông Thu Bồn có nhiều đỉnh núi cao như núi Cà Tang, núi Chúa..., nhưng bao đời nay khi nhắc đến núi, dân gian chỉ nhớ đến hai ngọn núi thấp hơn hẳn, đó là núi Hòn Kẽm và núi Đá Dừng (hay còn gọi là Đá Dựng, vì núi có các vách đá dựng đứng). Danh thắng Hòn Kẽm - Đá Dừng trước đây thuộc hai xã Quế Phước và Quế Lâm (huyện Nông Sơn); nay nằm giữa vùng giáp ranh của hai huyện Nông Sơn và Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam)...
Trong những ngày xuân nắng ấm, chúng tôi thực hiện một chuyến điền dã xuôi theo dòng sông Thu Bồn để khám phá vẻ đẹp hoang sơ, cuốn hút và kỳ bí của thắng cảnh này. Từ thành phố Tam Kỳ, chúng tôi theo quốc lộ 1A đến ngã ba Hương An rồi theo tỉnh lộ 105 qua địa phận huyện Quế Sơn, sau đó vượt Đèo Le đến Trung Phước (huyện Nông Sơn). Từ đây xuôi thuyền theo dòng sông Thu Bồn thơ mộng, hiền hòa đẹp như một dải lụa để bắt đầu hành trình khám phá bức tranh thiên nhiên sơn thủy hữu tình này.
Từ các xã phía Tây của huyện Nông Sơn, dòng sông Thu Bồn chảy qua nhiều cụm đá chìm nổi hoặc những bãi đá trải dài hai bên bờ sông, trong đó có Hòn Kẽm - Đá Dừng nhô ra như “cố tình” ngăn cản dòng chảy sông Thu. Nhưng từ bao đời nay, vẻ mềm mại, trữ tình của con sông lại chứa đựng một sức công phá không ngờ, âm thầm bào mòn lớp sơn thạch dày đặc. Để rồi theo dòng chảy của thời gian và sự tác động của thiên nhiên, Hòn Kẽm - Đá Dừng như được bàn tay của tạo hóa nắn nót những đường nét tinh xảo để tạo thành những hình thù kỳ bí, ẩn mình trong những phiến đá, ẩn hiện sau những tán cây rừng râm mát, bảng lảng sương mờ, giữa nước xanh nắng ấm. Tất cả như hòa quyện cùng thiên nhiên bao quanh với tiếng chim rừng vui hót, tiếng mang gọi bầy... tạo nên một cảnh hết sức thơ mộng, thanh bình và yên ả.
Thuyền lượn lờ theo dòng sông Thu thơ mộng đưa du khách khám phá những nét đẹp hết sức hoang sơ giữa hai bờ đá dựng bên sông. Những bờ đá sừng sững, trơ gan cùng tuế nguyệt hằn lên những vết huyền bí, trầm mặc. Vào những buổi sáng sớm, du khách có thể bắt gặp hình ảnh sương mai vẫn còn chưa tan hết từ vách núi bay ra quyện với làn hơi nước bốc lên từ mặt sông tạo nên một màn sương mờ mờ ảo ảo, che khuất ánh bình minh đang ló dạng. Vào những buổi chiều tà, du khách sẽ ngạc nhiên khi bỗng dưng trời sập tối một cách nhanh chóng vì vách núi dựng đứng che khuất ánh tà dương.
Cùng với những ngọn núi xung quanh như núi Chúa, núi Cà Tang..., Hòn Kẽm - Đá Dừng đã tạo nên một bức tranh trời mây non nước “sơn thủy hữu tình” trên dòng sông Thu thơ mộng, hiền hòa, đẹp một cách hoang sơ; làm cho lữ khách phương xa mỗi khi đến nơi này thường chạnh lòng nhớ về quê hương, nhớ về cha mẹ mình. Chính vì thế bao đời nay, người Quảng Nam đã mượn hình ảnh uy nghiêm, sừng sững của Hòn Kẽm - Đá Dừng để thể hiện tấm lòng của những người con xứ Quảng xa quê khi ngưỡng vọng, nhớ về quê hương, về tổ tiên cha mẹ qua câu ca dao: “Ngó lên Hòn Kẽm - Đá Đừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi/ Thương cha nhớ mẹ thì về/ Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng”.
Đặc biệt, dòng sông Thu Bồn và danh thắng Hòn Kẽm - Đá Dừng vẫn còn lưu giữ những điều kỳ bí chứa những truyền thuyết dân gian với nhiều dấu tích của nền văn hóa Sa Huỳnh và Champa còn lưu lại đến ngày nay. Từ Hòn Kẽm - Đá Dừng dọc theo hai bờ sông Thu Bồn xuôi về biển Cửa Đại vẫn có rất nhiều nơi thờ nữ thần Champa Thiên Y Ana. Ngay khúc sông tại Hòn Kẽm - Đá Dừng đến bây giờ vẫn còn lồ lộ phiến đá đứng sừng sững soi mình xuống dòng sông Thu Bồn, nặng hàng mấy chục tấn được chạm khắc tiếng Chăm gồm hai hàng chữ, mỗi hàng dài độ 2m, thân chữ cao khoảng 15cm với nét chữ hằn sâu, cứng cáp, đều đặn dù trải qua hàng chục thế kỷ đã bị nước chảy bào mòn hết một phần...
Du khách gần xa đến Quảng Nam, ngoài việc tham quan hai di sản văn hóa thế giới là đô thị cổ Hội An và tháp Chăm Mỹ Sơn cũng nên dành thời gian xuôi theo dòng sông Thu Bồn để ghé thăm thắng cảnh Hòn Kẽm - Đá Dừng. Bởi một lần đến vùng đất xứ Quảng “chưa mưa đà thấm” mà không ghé thăm Hòn Kẽm - Đá Dừng thì có lẽ chưa đủ cho một chuyến tham quan...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.