Xây & Chống

Để "cây tre Việt Nam" ngày càng vững chắc

Minh Nguyệt 29/04/2024 - 06:18

Cùng với sự phát triển mọi mặt của quốc gia, dân tộc, công tác đối ngoại, ngoại giao Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, khẳng định vị thế, uy tín, tiếp thêm động lực cho đất nước tiến lên.

Đây cũng chính là lý do lĩnh vực đối ngoại, ngoại giao thường xuyên bị các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị công kích, xuyên tạc nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước ta.

1. Trong gần 40 năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát triển thành hệ thống quan điểm, phương châm chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt đối với công tác đối ngoại Việt Nam. Đó là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa; "là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế"; nắm vững hai mặt đối tác - đối tượng, vừa hợp tác, vừa đấu tranh; kiên định nguyên tắc, mục tiêu chiến lược, nhưng linh hoạt, khôn khéo về sách lược, "dĩ bất biến, ứng vạn biến"...

Không chỉ vậy, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kế thừa và phát huy bản sắc, cội nguồn và truyền thống dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, phát triển trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hình thành nên một trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc Việt Nam. Đó là trường phái đối ngoại, ngoại giao "cây tre Việt Nam": Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Trên cơ sở sách lược đúng đắn, một tâm thế vững vàng, tự tin, nền ngoại giao Việt Nam đã góp phần làm nên lịch sử vẻ vang của dân tộc với những thành tựu đáng tự hào. Uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định và đất nước chưa bao giờ có được vị thế như ngày nay.

Mặc dù vậy, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị vẫn luôn tìm cách hạ thấp thành tựu của công tác đối ngoại, ngoại giao Việt Nam, cũng như uy tín, vị thế của đất nước ta. Chúng thường tung ra những thông tin liên quan đến các hoạt động ngoại giao chưa được kiểm chứng, những nội dung trong công tác đối ngoại mơ hồ để bình luận theo hướng quy chụp, kết luận hồ đồ nhằm làm xấu hình ảnh Việt Nam.

Gần đây, lợi dụng việc thay đổi lịch trình, thay đổi thời gian, thậm chí là hoãn thăm Việt Nam của một số nhà lãnh đạo các nước, chúng xuyên tạc rằng Đảng, Nhà nước ta không được nước bạn coi trọng, không có uy tín với đối tác... Những kẻ này còn “kết luận” rằng cuộc chiến đấu chống tham nhũng mà Trung ương Đảng quyết tâm thực hiện, dẫn đến việc thay thế một số vị trí lãnh đạo khiến các nhà đầu tư bất an, không muốn đầu tư vào Việt Nam. Thế rồi chúng còn so sánh, gán ghép để hạ uy tín của nước ta khi một hai lãnh đạo tập đoàn lớn thế giới hứa đầu tư ở Việt Nam nhưng lại chọn bến đỗ ở nước khác trong khu vực... từ đó tiếp tục quy chụp Việt Nam mất uy tín, không được các nhà đầu tư quan tâm.

Chỉ cần nắm rõ thông tin đối ngoại và thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội là vạch trần được những âm mưu thâm độc mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thực hiện theo cách nêu trên.

Phải khẳng định, việc thay đổi lịch trình, thời gian hay hoãn một hai chuyến thăm là điều hết sức bình thường, phù hợp với thông lệ ngoại giao, luôn được các đối tác chia sẻ. Ngay cả việc một hai tập đoàn lớn đầu tư hay chưa đầu tư vào Việt Nam mà lựa chọn các nước khác cũng là điều hết sức bình thường, chưa đủ phản ánh bản chất thực tiễn. Đó là chưa kể, thông tin về kế hoạch, mục tiêu, dự kiến đầu tư của các tập đoàn tên tuổi vào Việt Nam hay nước khác cũng còn mơ hồ, chưa chính xác mà những kẻ này đã đưa ra nhận định để làm xấu hình ảnh Việt Nam thì càng thấy rõ dụng ý xấu xa của chúng.

2. Thực tế, từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung và khép kín, nước ta đã phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có liên kết sâu rộng với kinh tế toàn cầu, được coi là một trong những quốc gia có độ mở cao nhất thế giới, đã ký kết hàng chục hiệp định thương mại tự do (FTA), kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi GDP, thu hút khoảng 400 tỷ USD vốn FDI đăng ký…

Việt Nam còn là thành viên của hầu hết các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương quan trọng. Nước ta đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn và hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế như: Được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021), Hội nghị cấp cao ASEAN (1998, 2010 và 2020), tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEM (2004), Hội nghị Thượng đỉnh APEC (2006, 2017), Diễn đàn Kinh tế giới về ASEAN (2018), Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên (2019). Chưa kể, hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, hỗ trợ các nước bạn khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ cứu nạn... Hình ảnh con người Việt Nam ở trong nước và trên thế giới ngày càng được yêu mến, nể trọng.

Những con số này là minh chứng bác bỏ những nhận xét vô căn cứ, thiển cận, quy chụp mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đưa ra; cũng là cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân tự hào, vững tin vào đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Niềm tin sẽ giúp chúng ta tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin xấu độc, tự giác kiểm chứng thông tin từ các nguồn chính thống, tự nghiên cứu để hình thành bộ lọc thông tin khi tham gia mạng xã hội. Chúng ta còn có thể tham gia tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở những người xung quanh nhằm định hướng nhận thức, gieo niềm tin, sự đồng thuận trong cộng đồng xã hội đối với sự lãnh đạo của Đảng nói chung và đường lối đối ngoại của Đảng nói riêng.

Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ chủ trương “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”. Đây là yêu cầu vừa mang tính chiến lược, lâu dài, vừa mang tính cấp thiết đối với công tác đối ngoại và ngành Ngoại giao trong bối cảnh mới. Nói vậy để thấy rằng, công tác đối ngoại không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan ngoại giao, mà còn của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân. Tính toàn diện còn thể hiện là ngoại giao ở trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục; với tất cả đối tác, địa bàn, khu vực, trọng tâm là đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước láng giềng, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống... Phải nhận thức được những yếu tố cốt lõi này để cùng vun trồng, đóng góp xây dựng nền ngoại giao của đất nước ngày càng trưởng thành, lớn mạnh.

Ngoại giao sâu xa còn là xây dựng hình ảnh đất nước và con người Việt Nam thật sự trong sáng, đẹp đẽ, đáng tin cậy trong mắt bạn bè quốc tế; điều mà mỗi tổ chức, cá nhân, trong đó có cán bộ, đảng viên đều có trách nhiệm tham gia và đóng góp dù khi ở trong nước hay đi ra nước ngoài. Nếu mỗi người đều có ý thức gương mẫu thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ đó thì sẽ tự giác xây dựng lối ứng xử phù hợp khi tiếp xúc với bạn bè quốc tế; đồng thời cũng sẽ mạnh mẽ bảo vệ hình ảnh Việt Nam, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ đường lối đối ngoại của nước ta; kiên quyết, kiên trì phản bác một cách thông minh, đanh thép đối với những thông tin xấu độc lan truyền trên mạng xã hội. Làm được như thế thì “cây tre Việt Nam” sẽ ngày càng vững chắc, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam ngày càng tỏa sáng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để "cây tre Việt Nam" ngày càng vững chắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.