(HNM) - Vòng đàm phán thứ 5 trong tiến trình Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit) đã bế mạc ngày 12-10 mà không có bất cứ tiến triển cụ thể. Theo dự kiến, đây là vòng đàm phán quan trọng để hai bên thỏa thuận các vấn đề liên quan đến chia tách, chuẩn bị bước sang giai đoạn 2 bàn về quan hệ thương mại trong tương lai.
Viễn cảnh nước Anh “chia tay” EU mà không có thỏa thuận nào đang ngày càng hiện hữu. |
Theo các nhà quan sát, lẽ ra sau vòng đàm phán lần thứ 5, Anh và Liên minh Châu Âu (EU) phải thống nhất được 3 vấn đề: "Hóa đơn ly hôn” mà Anh phải trả, số phận đường biên giới giữa Bắc Ireland và Ireland, quyền của công dân EU sống tại Anh và ngược lại. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hai bên mới chỉ thống nhất được một điểm chung là quyền của công dân hai bên sống tại quốc gia của nhau. Phát biểu với báo giới, Trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit Michel Barnier không giấu nổi sự thất vọng khi nói rằng, vòng đàm phán thứ 5 không có một sự đột phá nào.
Trưởng đoàn đàm phán EU cho biết, bế tắc lớn nhất là vấn đề thực hiện các cam kết về nghĩa vụ tài chính của Anh đối với liên minh này. Ông M.Barnier cho rằng nước Anh vẫn chưa đưa ra được một đề xuất cụ thể về phương thức thanh toán nghĩa vụ tài chính, điều mà ông cho là vô cùng lo ngại. Ông M.Barnier cũng thẳng thắn từ chối đưa ra đề nghị việc chuyển sang giai đoạn đàm phán về thương mại. Thực tế, việc không thống nhất trong thỏa thuận tài chính là một trở ngại lớn khiến Anh chưa thể rời khỏi EU theo kế hoạch là ngày 29-3-2019.
Đầu tháng 10, Nghị viện Châu Âu đã thông qua bản kiến nghị kêu gọi lãnh đạo EU hoãn tiến hành giai đoạn tiếp theo của cuộc đàm phán về Brexit. Theo cơ quan này, các cuộc đàm phán Brexit chưa đủ tin cậy để bắt đầu thảo luận về tương lai mối quan hệ Anh - EU tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh Châu Âu, dự kiến diễn ra vào ngày 19-10. Những tuyên bố trên cho thấy, các quan chức EU vẫn giữ nguyên thái độ cứng rắn trong đàm phán về Brexit. Không thể phủ nhận, EU đang gây áp lực để Anh phải thực hiện cam kết về tài chính trong khi Chính phủ Anh vẫn chưa đưa ra con số cụ thể về "hóa đơn ly hôn".
Trước sức ép quá lớn đặt ra đối với nước Anh, Bộ trưởng Anh phụ trách Brexit David Davis thừa nhận, đây là cuộc đàm phán phức tạp nhất trong lịch sử xứ sở Sương mù, chỉ một sơ suất cũng có thể khiến nước Anh thiệt hại hàng tỷ bảng. Ông D.Davis cho biết, Anh sẵn sàng ra đi mà không cần một thỏa thuận về Brexit và Liên minh Châu Âu sẽ không thể có được thứ họ muốn nếu vẫn tiếp tục duy trì những yêu cầu vô lý đối với quốc gia này.
Trong khi đó, nội bộ nước Anh đang xuất hiện một sự chia rẽ. Thủ tướng Theresa May đã không nhận được sự ủng hộ tuyệt đối cho quá trình Brexit. Đảng bảo thủ thuộc liên minh cầm quyền đang gây sức ép buộc bà T.May phải sửa đổi dự luật Anh rút khỏi EU (còn gọi là Dự luật Brexit) vừa được Hạ viện thông qua. Họ yêu cầu Quốc hội phải thông qua thỏa thuận cuối cùng về Brexit, giữ nước Anh ở lại thị trường chung và liên minh hải quan của EU ít nhất trong giai đoạn chuyển tiếp. Ngoài ra, dự luật này còn bị các nghị sĩ Công đảng phản đối, khi cho rằng Thủ tướng đang trao quá nhiều quyền lực cho các bộ trưởng trong Chính phủ.
Hơn thế, bài phát biểu không mấy suôn sẻ của Thủ tướng T.May tại đại hội hằng năm của đảng Bảo thủ hồi tuần trước tại Manchester và sự quay lưng của các nghị sĩ đảng Bảo thủ đã phần nào khiến các nhà đàm phán không thể duy trì sự lạc quan ban đầu. Các nhà ngoại giao và quan chức Châu Âu lo ngại có thể các bên sẽ không đạt được bất cứ thỏa thuận nào. Theo giới phân tích, để tránh tình trạng "ra về tay trắng" sau các cuộc đàm phán, hai bên cần nhanh chóng xây dựng những thỏa hiệp và có sự nhượng bộ lẫn nhau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.