Văn hóa

Hà Nội: Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5% GRDP

Hoài Thu 27/04/2024 - 16:00

UBND thành phố vừa có kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

hoang-thanh-thang-long.jpg
Hướng dẫn du khách tham quan tại Di sản Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Hoàng Lân

Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức sâu sắc về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố, là ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; giữ vững và phát triển thương hiệu Thủ đô ngàn năm văn hiến, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.

Theo đó, UBND thành phố sẽ chỉ đạo tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế tiềm năng, như: Du lịch văn hóa; thủ công mỹ nghệ; nghệ thuật biểu diễn; thiết kế; ẩm thực; phần mềm và trò chơi giải trí. Đồng thời, quan tâm phát triển các ngành: Quảng cáo, kiến trúc, điện ảnh, truyền hình và phát thanh, xuất bản, thời trang... Qua đó, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố.

Để làm tốt việc này, thành phố sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tuyên truyền thúc đẩy đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về Công nghiệp văn hóa; xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học và công nghệ; phát triển thị trường công nghiệp văn hóa; thu hút và hỗ trợ đầu tư; mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế; triển khai các sáng kiến của Hà Nội đã cam kết với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo.

Tại cơ sở, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thông tin tuyên truyền, triển khai nghị quyết, kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa của UBND thành phố và địa phương tới các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn. Đặc biệt là phát huy vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương, tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành trong triển khai thực hiện kế hoạch này.

Cùng với đó, chủ động phối hợp sở, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan thúc đẩy công tác phát triển sản phẩm, quản lý khai thác, liên kết phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn bảo đảm hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5% GRDP

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.