Thế giới

Dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD của Mỹ: Thể hiện cam kết với đồng minh

Thùy Dương 21/04/2024 - 06:53

Sau cuộc bỏ phiếu có tính chất thủ tục ngày 19-4 trước khi tiến hành cuộc bỏ phiếu cuối cùng vào ngày 20-4 (giờ địa phương), Hạ viện Mỹ gần như chắc chắn sẽ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm 60 tỷ USD dành cho Ukraine.

Cuộc bỏ phiếu ngày 19-4 có một kết quả hiếm thấy tại Hạ viện với tỷ số thông qua áp đảo 316-94. Nếu rào cản cuối cùng tại Hạ viện được gỡ bỏ, gói viện trợ sẽ được gửi đến Thượng viện - nơi gần như được bảo đảm thông qua trước khi gửi lên Tổng thống Joe Biden.

usa.jpg
Thiếu viện trợ của Mỹ, vị thế của Ukraine trên chiến trường rơi vào tình thế nguy hiểm. Ảnh: Anadolu

Khoản viện trợ trị giá 95 tỷ USD của Mỹ đã bị "treo" nhiều tháng, trong bối cảnh có sự phản đối gay gắt từ phía Cộng hòa và được củng cố bởi quan điểm của cựu Tổng thống Donald Trump. Ông Donald Trump nói rằng, viện trợ nước ngoài nên được thiết lập như một khoản cho vay chứ không phải một món quà tặng, đồng thời đặt ra câu hỏi về cam kết của Mỹ với các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Mặt khác, những nỗ lực nhằm bảo đảm hỗ trợ quân sự cho Ukraine đã đối mặt với rào cản khi một số đảng viên đảng Cộng hòa kiên quyết giữ quan điểm rằng, dự luật viện trợ nước ngoài phải gắn liền với việc giải quyết các nhu cầu tại biên giới Mỹ - Mexico, nơi số lượng các vụ bắt giữ người vượt biên trái phép đã đạt mức kỷ lục.

Để khơi thông các bế tắc này, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson hôm 16-4 đã đề xuất bỏ phiếu về ba gói tài trợ riêng biệt cho Ukraine, Israel và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như dự luật thứ tư bao gồm các đề xuất chính sách đối ngoại khác của đảng Cộng hòa. Gói này có tổng mức là 95,3 tỷ USD, phù hợp với tổng chi phí mà Thượng viện đã thông qua vào tháng 2-2024, nhưng có một số điểm khác biệt được thiết kế để có được sự chấp nhận của một số nghị sĩ bảo thủ trong Hạ viện.

Theo đó, viện trợ cho Ukraine có tổng trị giá khoảng 61 tỷ USD, nhưng hơn một phần ba số tiền đó sẽ được dành để bổ sung hệ thống vũ khí và đạn dược cho quân đội Mỹ. Khoản tiền 13,8 tỷ USD cung cấp cho Ukraine để mua vũ khí từ Mỹ gần bằng với dự luật trước đây của Thượng viện. Sự khác biệt chính giữa hai gói này là dự luật Hạ viện cung cấp hơn 9 tỷ USD hỗ trợ kinh tế cho Ukraine dưới hình thức “các khoản vay có thể không hoàn trả”. Dự luật của Thượng viện không bao gồm điều khoản như vậy.

Ông Mike Johnson cho biết, gói dự luật của Hạ viện cũng yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden cung cấp kế hoạch và chiến lược cho Quốc hội về những gì họ mong muốn đạt được ở Ukraine. Kế hoạch này sẽ được yêu cầu thực hiện trong vòng 45 ngày kể từ ngày dự luật được ký thành luật. Đảng Cộng hòa tại Hạ viện thường xuyên phàn nàn rằng họ vẫn chưa thấy chiến lược kết thúc cuộc xung đột.

Theo dự luật, viện trợ cho Israel và cung cấp cứu trợ nhân đạo cho Gaza lên tới hơn 26 tỷ USD. Số tiền dành riêng cho việc bổ sung các hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel có tổng trị giá khoảng 4 tỷ USD, trong cả dự luật của Hạ viện và Thượng viện. Một phần số tiền phân bổ cho Israel cũng sẽ được trang trải chi phí cho các hoạt động quân sự của Mỹ nhằm đáp trả các cuộc tấn công gần đây. Các đồng minh của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được viện trợ 8 tỷ USD. Ngoài việc viện trợ cho các đồng minh, dự luật này còn bao gồm điều khoản chuyển tài sản bị "đóng băng" của Nga sang Ukraine, các lệnh trừng phạt nhắm vào Hamas và Iran, đồng thời buộc ByteDance của Trung Quốc phải bán nền tảng truyền thông xã hội TikTok nếu không muốn đối mặt với lệnh cấm ở Mỹ.

Sau cuộc tấn công chưa từng có của Iran nhằm vào Israel cuối tuần trước, Nhà Trắng cùng các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện đã kêu gọi Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson nhanh chóng thông qua gói viện trợ cho các đồng minh. Bởi lẽ, khi viện trợ của Mỹ cho Ukraine bị đình trệ, đạn dược và tên lửa phòng không suy giảm, vị thế của Kiev trên chiến trường đã rơi vào tình thế nguy hiểm. Trong phiên điều trần hôm 17-4 trước Quốc hội Mỹ, những người đứng đầu Lầu Năm Góc nêu rõ, Ukraine và Israel đều rất cần vũ khí.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson cho biết sau cuộc bỏ phiếu rằng, mặc dù đây không phải là “dự luật hoàn hảo”, nhưng đó là “thứ tốt nhất có thể” mà đảng Cộng hòa có được với đa số mỏng manh trong một viện của Quốc hội. Tổng thống Joe Biden đã nhanh chóng bày tỏ sự ủng hộ đối với dự luật, đồng thời viết trong một tuyên bố rằng Quốc hội “phải thông qua” càng sớm càng tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD của Mỹ: Thể hiện cam kết với đồng minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.