Theo dõi Báo Hànộimới trên

EU - Anh đạt thỏa thuận thương mại mới: Bước đột phá hậu Brexit

Thùy Dương| 03/03/2023 07:21

(HNM) - Sau nhiều tháng đàm phán, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận thương mại mới mang tên Khuôn khổ Windsor thay thế Nghị định thư Bắc Ireland. Thỏa thuận này được nhận định là bước đột phá trong mối quan hệ giữa Anh và EU, vốn đã căng thẳng và ngày càng gay gắt kể từ thời kỳ hậu Brexit (Anh rời khỏi EU).

Thủ tướng Anh Rishi Sunak (bên trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen tại buổi họp báo sau khi đạt được thỏa thuận thương mại mới.

Ngày 27-2 vừa qua, Anh và 27 quốc gia thành viên của EU đã đạt được thỏa thuận nhằm giải quyết một trong những di sản gai góc nhất đó là vấn đề thương mại của Bắc Ireland. Bắc Ireland là một phần của Vương quốc Anh nhưng có chung đường biên giới trên đất liền với Ireland, một thành viên của EU. Khi cả hai đều thuộc EU, họ đã chia sẻ các quy tắc giống nhau và thương mại tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, kể từ khi Anh rời EU năm 2020, các quy định thương mại đặc biệt dành cho Bắc Ireland theo Nghị định thư Bắc Ireland - một phần quan trọng của thỏa thuận hậu Brexit giữa Anh và EU - đã gây nên tranh chấp và chia rẽ sâu sắc.

Theo Nghị định thư, Bắc Ireland vẫn nằm trong thị trường hàng hóa EU, vì vậy chịu kiểm soát hải quan đối với hàng hóa nhập từ Anh vào khu vực. Việc kiểm tra khiến giao dịch thương mại giữa Vương quốc Anh và Bắc Ireland trở nên phức tạp. Một số chính sách thuế và chi tiêu của Anh không thể thực hiện được ở Bắc Ireland do các quy định của EU. Do đó, Anh muốn sửa đổi Nghị định thư với lý do các quy định trong văn kiện gây cản trở thương mại, trong khi EU cho rằng mọi thay đổi đơn phương đều vi phạm luật pháp quốc tế; đồng thời lên kế hoạch trừng phạt Anh.

Sau một thời gian dài tranh cãi, đe dọa trả đũa lẫn nhau nếu xóa bỏ thỏa thuận này, EU và Vương quốc Anh đã thống nhất đàm phán với nhau cách đây 4 tháng để tìm kiếm một thỏa thuận mới thay thế. Cả Anh và EU đều thể hiện sự linh hoạt tối đa để đạt được thỏa thuận. Tại cuộc họp báo ở lâu đài Windsor (London), Thủ tướng Anh R.Sunak và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen ca ngợi thỏa thuận “Khuôn khổ Windsor” là bước đột phá mang tính quyết định, giải quyết tranh chấp liên quan tới Nghị định thư Bắc Ireland.

Khuôn khổ Windsor cắt giảm các thủ tục trong trao đổi thương mại giữa Vương quốc Anh và Bắc Ireland, giảm vai trò của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) và luật pháp EU ở Bắc Ireland; đồng thời cho phép cơ quan lập pháp Bắc Ireland có tiếng nói đối với các quy định mới của EU. Thỏa thuận cũng thiết lập làn xanh tại các cảng biển Ireland dành cho hàng hóa đến từ Vương quốc Anh lưu hành ở Bắc Ireland mà không chịu bất kỳ hạn chế thương mại nào, trong khi làn đỏ sẽ dành cho hàng hóa tiếp tục vào Ireland và thị trường EU. Hàng hóa như thuốc men, thực phẩm, bưu kiện và vật nuôi cũng được vận chuyển dễ dàng giữa Vương quốc Anh và Bắc Ireland, xóa bỏ “biên giới ở biển Ireland”.

Thỏa thuận mới cho phép nghị viện vùng Bắc Ireland áp dụng cơ chế "phanh khẩn cấp" đối với những thay đổi trong các quy định về hàng hóa của EU có "tác động đáng kể và lâu dài" nếu có yêu cầu từ 30 thành viên của ít nhất hai chính đảng tại cơ quan lập pháp. Thủ tướng R.Sunak nêu rõ, các chi tiết này đều hết sức quan trọng trong việc vừa duy trì tiến trình hòa bình trên đảo Ireland, bảo vệ được lợi ích của Bắc Ireland cũng như thị trường nội địa Vương quốc Anh.

Phản ứng trước sự kiện trên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ca ngợi thỏa thuận là "quyết định quan trọng", trong khi Đức gọi đó là một ngày tốt lành cho tình hữu nghị Anh - EU. Để thỏa thuận mới về Bắc Ireland được chính thức thông qua, Chính phủ Anh vẫn cần phải vượt qua vòng bỏ phiếu tại Nghị viện Anh, dự kiến diễn ra vào tuần sau. Các chuyên gia thương mại cho rằng, thỏa thuận mới có khả năng sẽ chấm dứt nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Anh và EU và tăng cường thiện chí giữa hai bên, góp phần khôi phục niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp tại châu Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
EU - Anh đạt thỏa thuận thương mại mới: Bước đột phá hậu Brexit

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.