Khi cuộc bầu cử ở Ấn Độ đang diễn ra, một cuộc thăm dò của Reuters vừa thực hiện đã xác định thất nghiệp là một thách thức của nền kinh tế lớn thứ năm thế giới.
Mặc dù Ấn Độ dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% trong năm nay nhưng việc chính phủ không tạo được nhiều cơ hội việc làm phù hợp đang là một vấn đề cấp bách, đặc biệt khi lực lượng dân số trẻ ngày càng tăng tại quốc gia Nam Á này.
Theo cuộc thăm dò của Hãng thông tấn Reuters (Anh) tiến hành từ ngày 16 đến 23-4, phần lớn các nhà kinh tế, coi thất nghiệp là thách thức chính đang chờ đợi Chính phủ Ấn Độ sau cuộc tổng tuyển cử.
Kunal Kundu, một nhà kinh tế đang làm việc tại Ngân hàng Societe Generale, lưu ý rằng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (LFPR) của Ấn Độ đã giảm trong thập kỷ qua. Ông cảnh báo, nếu không có chiến lược toàn diện để thúc đẩy việc làm, Ấn Độ có nguy cơ lãng phí lợi thế về nhân khẩu học.
Theo khảo sát lực lượng lao động của Chính phủ Ấn Độ, đất nước này đã phải vật lộn với tình trạng việc làm thấp trong thập kỷ qua, với tỷ lệ công nhân giảm từ 38,6% trong năm 2011-2012 xuống còn 37,3% trong năm 2022-2023. Chính phủ cũng đang nỗ lực tạo việc làm cho những người lao động nghèo và không có kỹ năng, khi chỉ có 20% người Ấn Độ đang làm việc trong lĩnh vực sản xuất hoặc dịch vụ công nghệ thông tin, trong khi hơn 40% còn lại làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo một báo cáo tháng trước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), những người Ấn Độ có trình độ học vấn trong độ tuổi 15-29 có nhiều khả năng thất nghiệp hơn những người không được đi học. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở Ấn Độ hiện cao hơn mức toàn cầu. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Ấn Độ có bằng tốt nghiệp là hơn 29%, cao hơn gần 9 lần so với những người không biết đọc hoặc viết. Kết quả này được ILO gọi là “những cải thiện nghịch lý” đối với tỷ lệ tham gia lao động và tỷ lệ thất nghiệp của Ấn Độ.
Kể từ khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lên nắm quyền vào năm 2014, các nhà kinh tế đã nhanh chóng coi Ấn Độ như một đối thủ mạnh mẽ của Trung Quốc, đặc biệt là về năng lực sản xuất, đầu tư và tăng trưởng toàn cầu của nước này.
Các nhà đầu tư có lý do để cảm thấy lạc quan, bởi từ năm 2014 đến năm 2023, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ đã tăng 55%, vượt qua các nước, như Anh, Pháp, Italia và Brazil để trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán nền kinh tế Ấn Độ có thể sẽ tăng trưởng 6,3% trong năm nay - một thành tích không hề nhỏ đối với một nền kinh tế nghìn tỷ USD.
Theo nhà kinh tế Ấn Độ Ajit Ranade, nền kinh tế đã có được động lực từ các yếu tố dài hạn, trong đó “số một là nhân khẩu học”. Với độ tuổi trung bình là 29 tuổi, Ấn Độ là một trong những quốc gia có dân số trẻ nhất toàn cầu.
Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát với 10.000 cử tri trước cuộc bầu cử của CSDS - Lokniti - một viện nghiên cứu có trụ sở tại New Delhi, gần một nửa cử tri coi thất nghiệp và giá cả tăng là hai mối quan tâm hàng đầu trong cuộc bầu cử này. Có gần 62% số người được khảo sát cho biết việc tìm việc làm thậm chí còn trở nên khó khăn hơn trong 5 năm qua.
Điều này cho thấy, Ấn Độ là một trong những quốc gia có dân số trẻ nhất thế giới nhưng nước này vẫn chưa thể thu được những lợi ích kinh tế tiềm năng từ dân số đông và trẻ của mình. Do đó, các nhà kinh tế cho rằng, chính phủ của ông Modi nếu nắm quyền trong nhiệm kỳ thứ ba sẽ cần phải tìm ra những cách thức mới để tạo ra hàng trăm triệu việc làm cho người dân phần lớn vẫn còn nghèo khó.
Ấn Độ tự hào về quy mô dân số trẻ và hy vọng tận dụng lợi tức dân số mà nước này mang lại. Tuy nhiên, tỷ lệ thanh niên trong dân số sẽ giảm trong những năm tới và cơ hội tận dụng dân số trẻ sẽ sớm mất đi. Xung đột và bất mãn do nạn thất nghiệp quy mô lớn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và chính trị. Trong khi đó, tăng trưởng GDP cao là chưa đủ. Sự kết hợp giữa tăng trưởng không đồng đều, thất nghiệp và lạm phát có thể là báo hiệu cho một cuộc khủng hoảng.
Do đó, các nhà phân tích cho rằng, Ấn Độ cần một chiến lược tăng trưởng theo định hướng việc làm, một hệ thống giáo dục hỗ trợ chiến lược đó cùng các chính sách kinh tế và xã hội phù hợp là điều cần thiết để đưa quốc gia Nam Á này thoát ra khỏi lối mòn hiện tại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.