Thực hiện nội dung cải cách hành chính trong Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, thành phố đã đạt được những bước tiến lớn. Kết quả công bố đầu năm 2024 cho thấy, Hà Nội đã có bước tiến lớn trong thực hiện Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh về những nỗ lực của thành phố để đạt được thành quả vượt bậc này.
Những nỗ lực cải cách hành chính
- Đồng chí đánh giá như thế nào về kết quả khá toàn diện về các chỉ số năm 2023 của thành phố Hà Nội?
- Thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025”, thành phố Hà Nội đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp nghiêm túc thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả trong công tác cải cách hành chính.
Nổi bật là năm 2023, chỉ số PAR INDEX của Hà Nội giữ vững vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố (năm 2022 xếp vị trí thứ 3/63), đạt 91,43%, tăng 1,85 điểm (2,06%) so với năm 2022; chỉ số PAPI tiếp tục ở nhóm 1 - “nhóm cao nhất” (đạt 43,96 điểm), đứng đầu 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đáng chú ý, sau nhiều nỗ lực, kết quả chỉ số SIPAS năm 2023 của thành phố đạt 83,57% (tăng 3,41% so với năm 2022), đứng thứ 21/63 tỉnh, thành phố (tăng 9 bậc so với năm 2022). Trong đó, nhiều chỉ số có sự cải thiện đáng kể như: Mức độ “hài lòng của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách” đạt 83,46% (tăng 11 bậc, tăng 4,39% so với năm 2022); mức độ “hài lòng của người dân đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công” đạt 83,72% (tăng 9 bậc, tăng 2,46% so với năm 2022).
Có thể nói, với việc đánh giá khách quan thông qua ý kiến phản hồi về cảm nhận, mức độ hài lòng và sự mong đợi của người dân, tổ chức, chỉ số SIPAS năm 2023 do Bộ Nội vụ đánh giá đã mang đến một bức tranh toàn diện, chân thực về nỗ lực cải cách hành chính của thành phố Hà Nội.
- Nguyên nhân nào để thành phố Hà Nội đạt được những kết quả vượt bậc như vậy, thưa đồng chí?
- Trên cơ sở chỉ đạo, định hướng của Thành ủy, HĐND thành phố, UBND thành phố đã kịp thời ban hành chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính theo tinh thần 5 “rõ”: “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ. Trong năm 2023, thành phố đã thực hiện 1.045 cuộc kiểm tra công vụ, cải cách hành chính; ban hành và triển khai Bộ Chỉ số cải cách hành chính của các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã giai đoạn 2023-2030 theo hướng cụ thể, định lượng, rõ tiêu chí đánh giá hơn gắn với phát triển kinh tế - xã hội.
Thành phố đẩy mạnh ủy quyền thực hiện thủ tục hành chính theo hướng “cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực”. Cùng với đó, thành phố chú trọng nâng cao hiệu quả thực hiện việc cung cấp trực tuyến dịch vụ công, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu. Đặc biệt, thành phố đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 15-10-2023 xác định “thi đua nước rút 60 ngày đêm” khắc phục hoàn toàn 6 điểm nghẽn trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, phê duyệt phương án tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính xây dựng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hà Nội cũng đi đầu trong thực hiện tinh gọn bộ máy; tập trung ưu tiên nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, trọng tâm là đổi mới công tác tuyển dụng, tiếp nhận công chức; thực hiện nghiêm công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác và đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng…
- Từ quyết tâm và sự chỉ đạo quyết liệt đó của thành phố, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai, thực hiện như thế nào?
- Để mang lại sự hài lòng cho người dân, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, thành phố trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung hướng dẫn, hỗ trợ người dân, tổ chức về thủ tục hành chính; đẩy mạnh tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; thực hiện đầy đủ, kịp thời việc cập nhật, tái cấu trúc quy trình, công bố, công khai, minh bạch thủ tục hành chính bằng nhiều hình thức; số hóa hồ sơ, giấy tờ, liên thông điện tử; tiếp nhận, tiếp thu các ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị, kịp thời điều chỉnh phù hợp.
Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo
- Một trong những nội dung luôn được thành phố Hà Nội quan tâm là lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền . Đồng chí có thể chia sẻ thêm nội dung này?
- Thành phố thường xuyên tiến hành khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với việc giải quyết công việc, giải quyết thủ tục hành chính tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã. Đến năm 2024, thành phố đã có 7 năm thực hiện đánh giá PAR INDEX nội bộ và bước sang năm thứ 9 đánh giá SIPAS nội bộ. Các đơn vị đã triển khai đồng bộ các cách thức khảo sát sự hài lòng của người dân như: Phát phiếu khảo sát; qua hòm thư góp ý; đánh giá qua hệ thống trực tuyến… với tinh thần cải cách hành chính phải thực chất, toàn diện và phải lấy sự hài lòng của người dân là mục tiêu.
Đặc biệt, nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt nhất, thành phố triển khai thí điểm một số mô hình, sáng kiến trong giải quyết thủ tục hành chính, như: Triển khai thí điểm tại quận Hoàn Kiếm “Trung tâm phục vụ hành chính công cấp phường” trên cơ sở ghép các phường có diện tích, quy mô nhỏ để nâng cao chất lượng phục vụ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân; thí điểm “Hồ sơ sổ sức khỏe điện tử”; “thu phí không tiền mặt tại bãi đỗ xe, điểm đỗ xe tĩnh tiến tới thu phí không dừng”; thực hiện chi trả trợ cấp an sinh xã hội qua tài khoản không dùng tiền mặt; thực hiện số hóa hộ tịch… Cách làm này của Hà Nội đang được người dân ghi nhận và đánh giá cao. Qua đó, đã nâng cao niềm tin và sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền.
- Thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ làm gì để duy trì thứ hạng cao về các chỉ số, thưa đồng chí?
- Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, thành phố vẫn luôn xác định đây là việc làm lâu dài và còn rất nhiều dư địa để thực hiện. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm để cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân.
Thứ nhất, thay đổi tư duy, cách tiếp cận trong phương thức tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ để công tác cải cách hành chính của từng cơ quan, đơn vị, địa phương theo hướng thực chất, bền vững, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo đánh giá tính hiệu quả.
Thứ hai, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục thông tin, tuyên truyền chính xác, đầy đủ mục đích, ý nghĩa, nội dung và kết quả của chỉ số SIPAS tới người dân, tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm, thúc đẩy sự tham gia tích cực, khách quan của người dân, tổ chức trong việc giám sát, phản hồi ý kiến về việc cung ứng dịch vụ hành chính công và tổ chức, triển khai thực hiện chính sách.
Thứ ba, tiếp tục làm tốt công tác cán bộ, xác định cán bộ, công chức, viên chức là nhân tố quyết định để triển khai thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính và cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân.
Thứ tư, thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số toàn diện của thành phố; nhận thức đầy đủ chuyển đổi số là chuyển đổi cách làm, thay đổi cách vận hành tổ chức và là nhân tố thúc đẩy cải cách hành chính mạnh mẽ, hướng tới phục vụ người dân.
Thứ năm, tăng cường giám sát việc giải quyết công việc, giải quyết thủ tục hành chính; xử lý nghiêm trường hợp cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.