(HNM) - Một tuần sau vụ đánh bom liên hoàn đẫm máu đúng ngày Lễ Phục sinh của Thiên chúa giáo tại Sri Lanka khiến ít nhất 253 người thiệt mạng và hơn 500 người khác bị thương, nỗi đau mất mát kèm theo những lo ngại về tình trạng bất ổn an ninh vẫn bao trùm đảo quốc Nam Á.
Hiện trường vụ đánh bom tại nhà thờ St.Sebastian ở Sri Lanka hôm 21-4. |
Thảm kịch vừa xảy ra lập tức gợi nhắc những ký ức đau buồn của cuộc nội chiến kéo dài trong giai đoạn 1983-2009, khi lực lượng ly khai Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE) nổi dậy đấu tranh vũ trang nhằm thành lập một nhà nước độc lập ở vùng Đông Bắc Sri Lanka. Xung đột qua đi, nhưng chia rẽ tôn giáo vẫn còn dai dẳng tại quốc gia này trong những năm qua, xuất phát từ mâu thuẫn khó hóa giải giữa tộc người Sinhala chiếm đa số và chủ yếu theo đạo Phật, với tộc người thiểu số Tamil theo đạo Hindu, người Hồi giáo và Thiên chúa giáo.
Nhà chức trách Sri Lanka hiện đã cáo buộc hai nhóm Hồi giáo trong nước là National Thowheeth Jama'ath (NTJ) và Jammiyathul Millathu Ibrahim có liên quan đến loạt nổ bom hồi tuần trước, trong đó NTJ là nhóm có mối liên hệ với các vụ gây rối nhằm vào cộng đồng người theo đạo Phật và cũng được cho là đã âm mưu tấn công các nhà thờ Thiên chúa giáo.
Bên cạnh những căng thẳng tôn giáo vẫn còn rất sâu sắc tại đảo quốc này, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho biết, các nhà điều tra cũng đang xem xét khả năng có mối liên hệ giữa thủ phạm với các tổ chức khủng bố nước ngoài. Hiện tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công song không đưa ra bằng chứng cụ thể. Cảnh sát Sri Lanka đã xác định được danh tính của 8/9 đối tượng đánh bom tự sát, đồng thời tạm giữ hàng chục người khác để phục vụ công tác điều tra.
Theo giới chức quốc phòng, hung thủ phần lớn đến từ các gia đình khá giả và thậm chí rất giàu có. Một trong số họ còn từng hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Australia sau khi du học ở Anh. Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng các cuộc tấn công do những kẻ theo trào lưu Hồi giáo chính thống thực hiện nhằm trả đũa vụ thảm sát tại hai nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand hồi tháng trước.
Điều đáng nói, vụ tấn công đã làm bộc lộ những yếu kém trong hệ thống tình báo và an ninh của Sri Lanka. Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena thông báo sẽ cơ cấu lại toàn bộ lực lượng cảnh sát và an ninh nước này, đồng thời thay thế các lãnh đạo an ninh và quốc phòng do thất bại trong việc ngăn chặn loạt vụ đánh bom hôm 21-4, dù đã nhận được thông tin tình báo về nguy cơ khủng bố trước đó 10 ngày. Bộ trưởng Quốc phòng Hemasiri Fernando hôm 25-4 đã phải từ chức vì không ngăn chặn được các cuộc tấn công.
Tiến sĩ Gerrit Kurtz, chuyên gia về xử lý khủng hoảng và chính sách Sri Lanka thuộc Đại học King's College London cho rằng, tình trạng chia rẽ nội bộ rất có thể là chướng ngại ngăn chặn thông tin tình báo lưu chuyển giữa giới lãnh đạo và các cơ quan của nước này. Lực lượng cảnh sát Sri Lanka trực thuộc Bộ Nội vụ do Thủ tướng quản lý, trong khi những vấn đề an ninh quốc gia có liên hệ tới quốc phòng lại thuộc thẩm quyền của Tổng thống.
Trong khuyến cáo đi lại sửa đổi mới được ban hành, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng các nhóm khủng bố có thể đang tiếp tục lên kế hoạch cho các vụ tấn công mới ở Sri Lanka mà không cảnh báo trước. Trong suốt một tuần qua, một vài vụ nổ đơn lẻ vẫn tiếp tục diễn ra tại quốc gia Nam Á này, đồng thời cảnh sát cũng đã phát hiện và vô hiệu hóa hàng trăm thiết bị nổ được cài trong xe tải, nhà kho, nhà hàng…
Trước những lo ngại về bóng ma khủng bố trỗi dậy, sự đoàn kết nội bộ và nỗ lực hoạt động hiệu quả của giới chức và lực lượng an ninh Sri Lanka là điều cần thiết để vượt qua thời khắc khó khăn này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.