Tình trạng đổ phế thải, rác thải bừa bãi trên địa bàn huyện Thanh Trì đang khiến môi trường sống của người dân ở một số khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mặc dù UBND huyện đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường, tuy nhiên, việc tái phạm vẫn diễn ra, đòi hỏi cơ quan chức năng cũng như các địa phương cần có thêm những giải pháp quyết liệt hơn nữa.
Nhiều khu vực bị ô nhiễm
Ngày 29-4-2024, khảo sát thực tế ở các xã: Vĩnh Quỳnh, Hữu Hòa, Tả Thanh Oai, Tam Hiệp… (huyện Thanh Trì), phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy môi trường sống của người dân địa phương bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối từ các con sông bốc lên. Nước sông chảy qua địa bàn chuyển sang mầu đen kịt, bốc mùi hôi thối và càng thêm nồng nặc trong những ngày nắng nóng như hiện nay.
Tiếp xúc với ông Nguyễn Thế Hải, một người dân xã Tả Thanh Oai, được biết nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng ao, hồ, sông trên địa bàn bị ô nhiễm là do việc xả nước thải chưa qua xử lý từ các hộ dân và một số đơn vị sản xuất, kinh doanh. Cũng theo ông Hải, do thường xuyên phải làm việc, sống chung với nguồn nước bị ô nhiễm, nhiều người dân trên địa bàn đã mắc phải các căn bệnh về hô hấp, tiêu chảy...
Hiện nay, trên địa bàn huyện Thanh Trì có 7 làng nghề truyền thống và hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với quy mô lớn, nhỏ khác nhau, đang đem lại việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Thế nhưng, do việc sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở tập trung trong khu dân cư nên đã ảnh hưởng, gây tác động xấu đến môi trường cũng như cuộc sống của người dân.
Bên cạnh việc phải sống chung với nguồn nước ô nhiễm trên các con sông, ao, hồ, hiện nay, hàng trăm hộ gia đình ở các xã: Ngọc Hồi, Đại Áng… còn phải hứng chịu các loại tiếng ồn, bụi bẩn từ việc sản xuất, đổ trộm phế thải diễn ra trên khu đất thuộc dự án xây dựng tổ hợp Ga Ngọc Hồi. Theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng này diễn ra đã nhiều năm nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Để bảo đảm môi trường sống cũng như việc sản xuất của người dân, chính quyền địa phương đã cho quây tôn, lập bốt kiểm tra, nhưng lợi dụng đêm tối, các lái xe vẫn chở phế thải đến khu đất dự án để đổ trộm.
Tương tự, tình trạng đổ trộm phế thải, xả rác bừa bãi còn diễn ra trên đường Chu Văn An, đoạn qua xã Tân Triều. Do lưu cữu lâu ngày không được di chuyển đến nơi xử lý, hiện nay, lượng rác tồn đọng trên tuyến đường này đã chất thành đống, kéo dài hàng trăm mét trên hè đường. Để khắc phục tình trạng phát sinh côn trùng, mùi hôi thối bay vào nhà cửa, người dân sống gần bãi rác phải châm lửa đốt, nhưng chỉ được một thời gian ngắn rác lại chất đầy, tiếp tục gây ô nhiễm môi trường sống cũng như ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Bao giờ mới được khắc phục?
Về tình trạng sản xuất gây ô nhiễm môi trường, theo Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai Vũ Hoài Sơn, nguyên nhân dẫn đến vi phạm một phần là do công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác bảo vệ môi trường hiện còn nhiều bất cập. Mặt khác, còn bởi nhận thức về pháp luật của người dân và các đơn vị sản xuất, kinh doanh chưa cao; chất lượng sản phẩm sản xuất ra chủ yếu phục vụ cho thị trường nội địa, lợi nhuận thấp dẫn đến việc các đơn vị đầu tư hệ thống xử lý nước thải sơ sài.
Để giải quyết tình trạng này, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Cường cho biết, thời gian qua, UBND huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường. Trong đó, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng, các xã, thị trấn thực hiện Kế hoạch số 482/KH-UBND (ngày 26-12-2023) về việc kiểm tra các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường năm 2024 trên địa bàn. Qua kiểm tra 77 cơ sở sản xuất, kinh doanh, tổ công tác của UBND huyện đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với các đơn vị là: Công ty Tecco - Chi nhánh Hà Nội do có hành vi xả nước thải vào nguồn nước vượt quá quy chuẩn về môi trường; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và công nghệ môi trường 79 do đổ chất thải rắn không đúng nơi quy định… Tuy nhiên, thực tế vẫn xảy ra tình trạng ngay khi đoàn kiểm tra rời khỏi hiện trường, các cơ sở sản xuất, kinh doanh lại tái diễn vi phạm.
Trong khi đó, liên quan đến tình trạng lưu cữu rác thải trên đường Chu Văn An, theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều Nguyễn Văn Lăng, để giải quyết tình trạng này, từ đầu năm 2024 đến nay, UBND xã thường xuyên tổ chức lực lượng kiểm tra để ngăn chặn việc đổ rác thải không đúng quy định; đồng thời phối hợp với đơn vị môi trường thực hiện vận chuyển rác thải tồn đọng trên tuyến đường đến nơi xử lý.
Ngoài ra, để giải quyết tình trạng sông, ao, hồ bị ô nhiễm, huyện Thanh Trì đã được quy hoạch xây dựng 3 nhà máy xử lý nước thải tại các xã: Đại Áng, Vĩnh Quỳnh, Ngũ Hiệp. Tuy nhiên, những dự án này vẫn chưa được triển khai. Thiết nghĩ, với thực trạng ô nhiễm môi trường ở một số khu vực như hiện nay, ngoài đẩy mạnh việc tuyên truyền trong cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường và xử lý nghiêm vi phạm liên quan, các đơn vị chức năng cũng như huyện Thanh Trì cần phối hợp để sớm triển khai các dự án nhà máy xử lý nước thải, qua đó góp phần xây dựng Thanh Trì ngày càng sạch, đẹp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.