Trước những nguy cơ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, hơn 1.000 nhà lãnh đạo từ nhiều quốc gia đã tham dự Hội nghị đặc biệt của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) do Saudi Arabia tổ chức tại Thủ đô Riyadh trong hai ngày (28 và 29-4).
Hội nghị trở thành sự kiện của WEF diễn ra ngoài địa điểm truyền thống là Davos (Thụy Sĩ) có số lượng đại biểu đăng ký cao nhất từ trước đến nay.
Với chủ đề “Hợp tác toàn cầu, tăng trưởng và năng lượng cho phát triển”, Hội nghị đặc biệt của WEF diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế các quốc gia đang đứng trước tình hình ảm đạm do hàng loạt thách thức xuyên biên giới không ngừng gia tăng.
Điều này được phản ánh rõ ràng trong phát biểu của Chủ tịch WEF Borge Brende với nhận định, thế giới phải đối mặt với một thập kỷ tăng trưởng thấp nếu không có các biện pháp phù hợp. Tăng trưởng toàn cầu năm nay ước tính vào khoảng 3,2%. Dù đây không phải là con số quá tệ song là tốc độ tăng trưởng chậm nhất và cũng chưa đạt mức trung bình từng có trong vòng 3 thập kỷ qua (4%).
Chủ tịch WEF Borge Brende cũng cảnh báo nguy cơ xảy ra sự suy thoái ở một số nền kinh tế lớn như đã xảy ra vào những năm 1970. Áp lực lạm phát dai dẳng, sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo từng bước lấy mất việc làm của con người sẽ càng tạo ra nhiều vấn đề khó cần giải quyết trong tương lai.
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ công trên thế giới hiện nay đang dần tăng tới mức chưa từng thấy kể từ những năm 1820 và nhiều quốc gia phát triển có thể phải đối mặt với tình trạng “lạm phát đình trệ”, để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nợ công của tất cả các quốc gia năm 2023 đã tăng lên mức 93,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và có thể đạt mức 100% vào cuối thập kỷ này. IMF dự báo, nợ công của Trung Quốc năm nay sẽ lên tới 88,6% GDP, năm 2027 tăng lên 101,8% GDP và năm 2029 là 110,1% GDP. Trong khi đó, nợ quốc gia của Mỹ năm nay sẽ lên tới 123,3% GDP và tăng lên 133,9% GDP vào năm 2029.
Trong 5 năm tới, kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng ở mức 3,1% và là mức tăng khiêm tốn nhất trong nhiều thập niên vừa qua. Bởi vậy, chính phủ các nước cần xem xét những biện pháp giảm nợ công để tránh rơi vào kết cục suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà lãnh đạo, rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu hiện nay là sự “suy thoái địa chính trị” mà điển hình là các cuộc xung đột Nga - Ukraine, Israel - Hamas và căng thẳng gần đây giữa Iran và Israel...
Chủ tịch WEF Borge Brende cho rằng: “Có rất nhiều điều không thể đoán trước có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát. Nếu Israel và Iran leo thang xung đột, chúng ta có thể thấy giá dầu lên tới 150 USD chỉ sau một đêm. Điều đó sẽ gây tổn hại nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu”. Trong khi đó, nhiều nhà lãnh đạo khác đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Kế hoạch Saudi Arabia Faisal al-Ibrahim khi nhận định: “Thế giới hiện đang đi trên dây, cố gắng cân bằng giữa an ninh và thịnh vượng”, đồng thời lo ngại: “Một phán đoán sai lầm, một tính toán sai lầm hoặc một thông tin sai lệch sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn”.
Bởi vậy, Hội nghị đặc biệt của WEF tại Riyadh là một bước đi để các nhà lãnh đạo tìm cách xây dựng niềm tin đang bị xói mòn trong các hệ thống và thể chế toàn cầu, qua đó chung tay giải quyết các cuộc xung đột đang đe dọa tới sự bền vững của nền kinh tế. Ngoài các cuộc thảo luận liên quan tới tình hình ở các điểm xung đột, hội nghị đã tạo tiền đề cho việc ra mắt một số sáng kiến trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, trí tuệ nhân tạo, không gian vũ trụ...
Một tin vui đã xuất hiện vào ngày cuối cùng của cuộc họp khi Giám đốc điều hành của Công ty Dược phẩm Moderna (Mỹ) Stéphane Bancel cho biết, công ty đang nỗ lực để đưa sản phẩm điều trị ung thư đầu tiên ra thị trường chăm sóc sức khỏe, có thể sớm nhất là vào năm 2025.
Dù hội nghị không tạo ra được những kết quả đột phá, song việc có hơn 1.000 nhà lãnh đạo tham gia cho thấy mức độ quan tâm của các quốc gia đối với những thách thức có nguy cơ gây tổn hại cho nền kinh tế thế giới. Hội nghị cũng đã phát đi một thông điệp kêu gọi xây dựng những lộ trình rõ ràng hướng tới hòa bình, ổn định, các cơ hội tăng trưởng toàn diện và thịnh vượng là ưu tiên hàng đầu của toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.