Thế giới

Cuộc đàm phán thứ tư về hiệp ước chống ô nhiễm nhựa toàn cầu đạt tiến bộ quan trọng

Kim Phượng 30/04/2024 - 16:48

Theo ABCnews, ngày 30-4, các quốc gia đã đạt được tiến bộ quan trọng trong hiệp ước chống ô nhiễm nhựa toàn cầu tại cuộc đàm phán thứ tư vừa kết thúc ở Canada.

waste-picker-2.jpg
Một phân tích mới cho thấy các quốc gia có thu nhập thấp phải trả gấp 8 lần cho các tác động xã hội và môi trường của rác thải nhựa. Ảnh: Getty

Lần đầu tiên, các nhà đàm phán đã thảo luận về nội dung được cho sẽ trở thành một hiệp ước toàn cầu. Các đại biểu và quan sát viên tại Ủy ban đàm phán liên chính phủ về ô nhiễm nhựa gọi đây là một dấu hiệu đáng hoan nghênh khi cuộc thảo luận đã chuyển từ ý tưởng sang hiệp ước tại cuộc họp thứ tư trong số năm cuộc họp theo lịch trình này.

Gây tranh cãi nhất là ý tưởng hạn chế số lượng nhựa được sản xuất. Điều đó vẫn nằm trong văn bản trước sự phản đối mạnh mẽ của các nước, công ty sản xuất nhựa và các nhà xuất khẩu dầu khí. Hầu hết nhựa được làm từ nhiên liệu hóa thạch và hóa chất.

Các đại biểu đã thảo luận không chỉ về phạm vi của hiệp ước mà còn về các hóa chất đáng lo ngại, các loại nhựa có vấn đề, thiết kế sản phẩm cũng như nguồn tài chính và lộ trình thực hiện.

“Chúng tôi đã đạt được một bước tiến lớn sau 2 năm thảo luận. Bây giờ, chúng tôi có văn bản để đàm phán. Cần có nhiều ý chí chính trị hơn nữa để giải quyết tình trạng sản xuất nhựa leo thang ngoài tầm kiểm soát”, Björn Beeler, điều phối viên quốc tế của Mạng lưới loại bỏ chất ô nhiễm quốc tế cho biết.

Khi phiên họp ở Ottawa kết thúc, việc chuẩn bị cho hội nghị cuối cùng diễn ra ở Hàn Quốc sẽ tập trung vào cách tài trợ để thực hiện hiệp ước, đánh giá các hóa chất được quan tâm trong các sản phẩm nhựa và xem xét thiết kế sản phẩm.

Stewart Harris, người phát ngôn thuộc Hiệp hội Hóa chất Quốc tế cho biết, các thành viên muốn có một hiệp ước tập trung vào việc tái chế và tái sử dụng nhựa, được gọi là “tính tuần hoàn”.

Họ không muốn có giới hạn về sản xuất nhựa và cho rằng hóa chất không nên được quản lý thông qua thỏa thuận này.

Trưởng đoàn đàm phán của Ecuador, Walter Schuldt cho biết, bất chấp những khác biệt, các quốc gia đại diện có chung tầm nhìn để tiến tới tiến trình đàm phán hiệp ước.

Các cuộc đàm phán hiệp ước chấm dứt ô nhiễm nhựa bắt đầu ở Uruguay vào tháng 12-2022 sau khi Rwanda và Peru đề xuất nghị quyết khởi động quy trình này vào tháng 3 cùng năm. Tiến trình diễn ra chậm chạp trong các cuộc đàm phán ở Paris, Pháp vào tháng 5-2023 và tại Nairobi vào tháng 11-2023 khi các nước tranh luận về các quy tắc của hiệp ước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đàm phán thứ tư về hiệp ước chống ô nhiễm nhựa toàn cầu đạt tiến bộ quan trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.