(HNM) - Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) có nguy cơ đổ vỡ sau khi giới chức Tehran tuyên bố tiếp tục cắt giảm cam kết trong thỏa thuận đã ký.
Theo Người phát ngôn Chính phủ Iran Ali Rabiei, bắt đầu từ ngày 8-7, nước này sẽ tăng mức làm giàu uranium lên 5%, vượt ngưỡng giới hạn mà JCPOA cho phép là 3,67% trên cơ sở chỉnh sửa Điều 36 của thỏa thuận. Quyết định này do chính Tổng thống Iran Hassan Rouhani đưa ra sau hơn 1 năm kể từ khi người đồng cấp Mỹ Donald Trump tuyên bố rút xứ Cờ hoa khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử.
Xuất phát từ những tranh cãi đang ngày càng leo thang với Washington, Trưởng đoàn đàm phán Iran Abbas Araghchi cũng thông báo, Tehran sẽ duy trì việc cắt giảm cam kết theo từng đợt (mỗi đợt 60 ngày), trừ khi các bên còn lại của thỏa thuận đưa ra được biện pháp cụ thể để bảo vệ nước này trước các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Đây là lần thứ hai Tehran tuyên bố cắt giảm cam kết trong bản thỏa thuận được ký 4 năm trước với các cường quốc. Trước đó, tròn 1 năm sau quyết định gây tranh cãi của ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống H.Rouhani đã thông báo cho 5 nước: Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức về ý định nối lại hoạt động làm giàu uranium và hiện đại hóa lò phản ứng nước nặng Arak nếu việc đàm phán không đem lại kết quả.
Vào ngày 6-7 vừa qua, tại cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nhà lãnh đạo quốc gia Cộng hòa Hồi giáo cũng đã lên án các lệnh trừng phạt của Mỹ chống lại Iran là hành động khủng bố và là một cuộc chiến kinh tế toàn diện, có nguy cơ dẫn tới các mối đe dọa khác tại khu vực và thế giới; đồng thời hối thúc Liên minh châu Âu (EU) nỗ lực duy trì thỏa thuận này.
Iran nhiều lần gửi tín hiệu, rằng họ đã mất kiên nhẫn sau những thất bại liên tiếp của EU trong việc tìm kiếm một biện pháp hiệu quả để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, cánh cửa đối thoại vẫn được giới chức nước này để ngỏ. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhấn mạnh, tất cả biện pháp cắt giảm cam kết vẫn có thể đảo ngược nếu các nước châu Âu tham gia thỏa thuận hạt nhân hoàn thành nghĩa vụ của họ.
Các nhà phân tích nhận định, ảnh hưởng từ động thái vừa được giới chức Iran thực hiện vẫn tương đối khiêm tốn và mang nhiều ý nghĩa thăm dò khi nước này chỉ tăng mức độ làm giàu uranium từ 3,67% lên 5% - thấp hơn rất nhiều so với mức làm giàu uranium mà Iran đã đạt được trước thỏa thuận hạt nhân là 20%.
Dù lên án động thái của Iran, các quốc gia đầu tàu châu Âu là Đức, Pháp và Anh (E3) dường như chưa có ý định áp đặt cơ chế trừng phạt mà vẫn đang chờ đợi các nhà ngoại giao châu Âu gặp gỡ những người đồng cấp Iran để thỏa thuận về các bước đi tiếp theo. Giới quan sát cho rằng, trở ngại lớn nhất của các cuộc thảo luận dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15-7 tới chính là tình thế khó xử của EU hiện nay. Khối này đang tìm cách xây dựng cơ chế bảo vệ Iran trước các biện pháp gây sức ép của Mỹ theo yêu cầu của nước Cộng hòa Hồi giáo. Song, điều này có khả năng gây ảnh hưởng lớn tới chính các doanh nghiệp EU do đi ngược lại các lệnh trừng phạt của đồng minh truyền thống.
Giới chức ngoại giao châu Âu hiện vẫn coi JCPOA là một thành tựu ngoại giao nổi bật trong thế kỷ XXI. Thế nhưng, việc tìm cách tháo gỡ những bế tắc trong việc duy trì và bảo đảm thực thi văn kiện này khó lòng đạt được khi cả Mỹ và Iran đều không thể hiện ý định nhượng bộ. Điều quan trọng nhất mà các bên cần làm hiện nay là duy trì cam kết và kiềm chế các hành động có thể làm suy yếu việc thực thi thỏa thuận, trước khi tìm ra giải pháp hiệu quả thông qua đối thoại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.