Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó giải thể hợp tác xã yếu kém

Ngọc Quỳnh| 11/04/2018 07:10

(HNM) - Hiện nay, việc giải thể hợp tác xã yếu kém theo Luật Hợp tác xã năm 2012 còn khó khăn, do việc xử lý tài sản vẫn lúng túng. Trong đó, một số nơi, chính quyền địa phương né tránh hoặc thiếu đôn đốc, chỉ đạo, giải quyết các khó khăn vướng mắc khiến tình trạng hợp tác xã đã ngừng hoạt động nhưng chưa được giải thể kéo dài.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), từ năm 2013 đến hết năm 2017, có 2.366 hợp tác xã nông nghiệp đã giải thể, sáp nhập. Nhiều tỉnh đã hoàn thành công tác giải thể, giải quyết dứt điểm hợp tác xã nông nghiệp kém hiệu quả, ngừng hoạt động như: Thái Bình, Hà Nam, Thừa Thiên - Huế, Kiên Giang... Tuy nhiên, hiện vẫn còn 795 đơn vị ngừng hoạt động nhưng chưa được giải thể.

Ảnh minh họa



Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cho biết: Việc giải thể hợp tác xã yếu kém còn khó khăn do các địa phương chưa xây dựng kế hoạch cụ thể để phân công, chỉ đạo và có tiến độ tổ chức thực hiện; bộ máy và năng lực cán bộ quản lý nhà nước các cấp còn thiếu và yếu. Một số đơn vị khó xử lý các vi phạm Luật Hợp tác xã năm 2012 do chưa thực hiện chế tài xử lý đối với hợp tác xã và tổ chức, cá nhân vi phạm. Bên cạnh đó, việc xử lý tài sản, nhất là tài sản không chia của các hợp tác xã (bao gồm những tài sản hình thành từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức và tài sản tích lũy của hợp tác xã do Điều lệ quy định là tài sản không chia) còn lúng túng. Đồng thời, việc xử lý công nợ của hợp tác xã (bao gồm nợ thuế và các khoản phải nộp Nhà nước, nợ các tổ chức tín dụng, nợ các thành viên và khoản nợ khác; nợ phải thu của thành viên và các tổ chức, cá nhân với hợp tác xã...) cũng gặp nhiều khó khăn.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội Nguyễn Tiến Phong thừa nhận: Hiện nay, việc giải thể hợp tác xã còn khó khăn do thiếu một số quy định cụ thể như: Hướng dẫn thủ tục đăng ký chuyển đổi hợp tác xã sang doanh nghiệp và các loại hình kinh tế khác; hướng dẫn xử lý tài sản (bao gồm cả thanh lý tài sản) hình thành từ nhiều nguồn khi hợp tác xã giải thể, phá sản... Thậm chí, nhiều hợp tác xã đã ngừng hoạt động từ lâu, nhưng lại không xác định được thành viên hợp tác xã qua các thời kỳ, trong khi quy định trong hội đồng giải thể phải có đại diện của hợp tác xã; hồ sơ tài liệu có liên quan bị thất lạc nên quá trình giải thể vướng mắc.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam: Mục tiêu giải thể các hợp tác xã yếu kém, ngừng hoạt động bảo đảm phải xong trong năm 2018 theo chỉ đạo của Chính phủ. Để thực hiện việc này, hội đồng giải thể các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát, đánh giá phân loại và định giá tài sản để làm cơ sở cho việc xử lý. Việc xử lý nợ tài sản của hợp tác xã theo quy định, bao gồm: Hội đồng giải thể thu hồi các tài sản và các khoản phải thu; thanh lý tài sản, trừ phần tài sản không chia; thanh toán các khoản nợ phải trả và thực hiện nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã.

Trường hợp không còn tiền để thanh toán các khoản nợ của hợp tác xã, thì xử lý theo 2 hướng: Các khoản nợ thuế và các khoản phải nộp Nhà nước còn lại thì đề nghị Nhà nước xóa nợ. Các khoản nợ các tổ chức tín dụng, hội đồng giải thể tiến hành đàm phán với các tổ chức tín dụng để đề nghị xóa nợ cho hợp tác xã. Đối với những hợp tác xã đã ngừng hoạt động từ lâu, không còn đại diện của hội đồng quản trị hợp tác xã, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên thì giải quyết theo hướng tổ chức đại hội hợp tác xã bầu bổ sung các thành viên bắt buộc phải có để tham gia hội đồng giải thể. Đối với trường hợp các đơn vị hồ sơ bị thất lạc thì hội đồng giải thể căn cứ tài liệu còn lại của hợp tác xã để làm cơ sở cho việc xử lý giải thể hợp tác xã...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó giải thể hợp tác xã yếu kém

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.