(HNM) - Tạo nên vẻ đẹp cho Hà Nội không chỉ có cảnh quan phố phường mà còn là không gian làng mạc truyền thống, mang nét đặc trưng tiêu biểu của vùng Đồng bằng Bắc Bộ… Giữ lấy không gian này cũng là một cách duy trì vẻ đẹp riêng của Thủ đô.
Gắn liền với đời sống đô thị
Theo bà Chu Thu Hường, Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH,TT&DL), đặc trưng của Hà Nội là thành phố bao gồm các làng và phường nghề. Trong không gian của thành phố luôn có một phần của nông thôn. Trong cuốn sách “Làng Việt đa nguyên và chặt”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Kế cũng khẳng định: “Càng đô thị càng cần có một kiểu không gian của làng, kiểu thức kiến trúc làng, thiết chế văn hóa đã được sàng tuyển của xã hội làng”.
Cổng làng Yên Thái, số 562 Thụy Khuê. |
Làng Ngọc Hà, Làng Láng, Làng Bưởi… xưa với không gian văn hóa đặc trưng đi vào sử sách, thi ca, nay trở thành phường - nơi tụ cư của cư dân đô thị, nhưng một cái cổng làng, một ngôi nhà còn lại cũng đủ níu chân du khách gần xa. KTS Nguyễn Đỗ Hạnh, Viện Bảo tồn di tích cho rằng, yếu tố tạo nên sự hấp dẫn cho Hồ Tây hơn cả “bức tranh thủy mặc” mà thiên nhiên trao tặng, đó là không gian làng truyền thống, các truyền thuyết gắn liền với sự hình thành, phát triển cùng các sinh hoạt văn hóa độc đáo của cộng đồng dân cư 11 làng quanh hồ. “Vùng văn hóa ấy có đền An Thọ, có chùa Kim Liên, đình Quảng Bá, thiết chế văn hóa đặc trưng của làng; có câu chuyện về công chúa Từ Hoa dạy dân làng Nghi Tàm nuôi tằm, dệt lụa, có truyền thuyết Lạc Thị sinh ra một bọc trứng nở thành 7 con rồng ở phường Nhật Tân ngày nay…” - KTS Nguyễn Đỗ Hạnh chia sẻ thêm.
Ở khu vực ngoại thành, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng khiến cho không gian làng truyền thống bị thu hẹp. Rất nhiều nơi được gọi là làng, nhưng không còn “dấu vết” của làng truyền thống. Tuy vậy, giữa không gian đô thị phía tây Thủ đô, người dân Đường Lâm (Sơn Tây) vẫn giữ được cấu trúc, cảnh quan, không gian của làng gần như nguyên vẹn. Làng Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm) vẫn còn những con đường lát gạch bát, những cổng xóm có niên đại hơn 100 năm cùng hàng chục nhà thờ, nhà cổ. Làng Cự Đà (Thanh Oai), Làng Cựu (Phú Xuyên)… vẫn hiện diện nhiều ngôi nhà lưu dấu thời gian. Đặc biệt, không gian làng với hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình ở thôn Đào Thục, xã Thụy Lâm (Đông Anh) đã trở thành điểm đến du lịch lý thú. Thăm một số làng cổ ở Hà Nội, chị Muraida, du khách đến từ Nhật Bản bày tỏ: “Không gian làng truyền thống có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách. Phía sau những không gian ấy là “kho báu” về lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung, càng tìm hiểu sẽ càng phát hiện ra những điều bổ ích”.
Ngoài Làng cổ Đường Lâm đã xếp hạng di tích quốc gia, Hà Nội có khoảng 60 làng truyền thống được các địa phương đề xuất với ngành chức năng đưa vào danh mục nghiên cứu, lựa chọn là làng cổ. Điều đó phần nào cho thấy, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn mong muốn giữ gìn không gian, cảnh quan của làng truyền thống trong nhịp sống đô thị hiện đại.
Giữ thế nào?
Lịch sử đô thị của Hà Nội là lịch sử phát triển của làng lên phố, làng trong phố. Đô thị không khác biệt, không đối lập, không phủ định làng quê, mà ngược lại là sự kế thừa và phát triển của làng quê, trên cái nền của văn hóa làng. Vì thế, bảo tồn không gian làng truyền thống không có nghĩa là né tránh, hạn chế sự phát triển, sự đô thị hóa của làng. “Bảo tồn ở đây được hiểu là bảo vệ sự tồn tại của cảnh quan, không gian, giữ cho nó không mất đi, chứ không phải là để cho làng không phát triển” - bà Chu Thu Hường nhấn mạnh.
Từ sự nhìn nhận đó, bà Chu Thu Hường cho rằng, bảo tồn không gian văn hóa làng không thể theo hướng “mô hình hóa”, “bảo tàng hóa” làm đóng băng một ngôi làng và những hoạt động sống trong đó, cản trở sự xuất hiện của những yếu tố đô thị, đi ngược quy luật phát triển. Chúng ta có thể bảo tồn nguyên vẹn một dấu tích kiến trúc, nhưng chúng ta không thể bảo tồn bằng cách giữ nguyên và cản trở sự phát triển của một “cơ thể” sống - làng, cho dù bằng chính sách hay luật định. “Nếu các cơ quan chức năng giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, tôi tin người dân làng Cự Đà hay Đường Lâm… chẳng còn lý do gì để nói “tại sao chúng tôi phải sống khổ sở trong nhà cổ chỉ để cho người đi đường, du khách nhìn ngắm?” - bà Chu Thu Hường khẳng định.
GS.KTS Phạm Đình Việt (Trường Đại học Đông Đô) kiến nghị các cơ quan chức năng nên xây dựng bản đồ không gian làng truyền thống trên toàn thành phố, làm căn cứ xếp hạng, tiến tới xác định các cấp độ bảo tồn khác nhau cho làng cổ. Về mặt chính sách, nên linh hoạt, mềm dẻo, coi việc giữ được không gian, cảnh quan và các giá trị văn hóa, lịch sử của làng là mục tiêu cao nhất, đồng thời không thể coi nhẹ lợi ích của cộng đồng.
Dưới góc độ quản lý, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết, việc bảo tồn không gian làng truyền thống nói chung, làng cổ nói riêng được ngành văn hóa Thủ đô coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Trước hết, ngành văn hóa sẽ phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, phân loại giá trị, hiện trạng làng cổ truyền thống trên địa bàn TP Hà Nội để lựa chọn các giải pháp bảo tồn, phát huy; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp đối với từng đặc điểm, tính chất và không gian làng truyền thống ở các địa phương.
Cuộc sống càng phát triển, con người càng có nhu cầu quay trở về với truyền thống, giữ gìn vốn cổ. Không gian làng truyền thống ở Hà Nội hiện nay còn, song không nhiều, và Hà Nội rất cần có thêm những giải pháp, việc làm cụ thể để giữ lấy vẻ đẹp từ không gian truyền thống ấy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.