Văn hóa

Bài tham dự cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”:Ngày trở về

Nguyên Nga 26/04/2024 - 12:53

Được xem cuốn sách “Những kỷ niệm không quên” và được ông Nguyễn Văn Khang đồng ý cho gặp mặt, tôi và nhà báo Nguyễn Lưu đã ngay lập tức đến nhà ông, lòng vô cùng hồi hộp.

Con ngõ nhỏ nối giữa đường Trường Chinh và phố Chùa Bộc, các biển số nhà khá lộn xộn, chúng tôi phải tìm khá lâu vì có đến mấy số nhà 18 ở cách xa nhau.

Ngôi nhà cũ của ông bà gọn gàng, sạch sẽ, nhiều hoa trước sân và cả trên các bậc cửa sổ. Ở tuổi 90, ông Nguyễn Văn Khang (Trưởng ban liên lạc Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô) vẫn giữ được dáng người thẳng, nhanh nhẹn, đôi mắt sáng và đặc biệt vẫn rất minh mẫn. Ông trả lời mọi câu hỏi của chúng tôi về sự kiện lịch sử cách đây 70 năm, ngày mà tôi còn chưa kịp ra đời, một cách khúc triết, rõ ràng.

Phải nói thực là không chỉ thời trẻ mà ngay cả bây giờ, khi đã gần 70 tuổi, tôi vẫn say mê những giai điệu cùng lời ca: “Không thể nói trời không trong hơn/ Và mắt em xanh khác ngày thường/ Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy/ Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường…”.

Còn khi gặp ông Khang, qua lời kể của ông thì tôi mới biết thêm rằng: Để có những thời khắc xúc động, hào hùng “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân kéo về…” ấy, cần phải có một bộ phận thanh niên trí thức trở về Hà Nội trước, âm thầm đảm nhiệm công việc tiếp quản, nhận bàn giao các công sở như Bưu điện Bờ Hồ, Nhà máy Điện, Nhà máy Nước Yên Phụ, bốt nước Hàng Đậu, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phủ Doãn…, đồng thời phiên dịch cho Ủy ban Quốc tế giám sát việc đình chiến.

img_8787.jpeg
Người dân Hà Nội trang trí đường phố chuẩn bị cho ngày tiếp quản Thủ đô (10-1954). Ảnh: Tư liệu.

Ông Khang kể, để hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn đó, việc tiếp xúc ban đầu với người dân Thủ đô đòi hỏi phải được giao cho lực lượng thanh niên trí thức.

Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô có hơn 300 người, trong đó có ông Khang, hầu hết ở lứa tuổi 18-19, đã được hình thành từ nhiều nguồn. Có người được tuyển chọn từ các trường trung học kháng chiến ở vùng tự do, Khu Học xá Trung ương... Có người là đội viên đội thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Pháp. Có người là cán bộ đoàn ở vùng tự do. Cũng có một số thanh niên đang hoạt động trong nội thành...

Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô tập trung tại Nhà thương Đồn Thủy, trải chiếu ngủ dưới đất, quần áo đồng phục. Các thành viên nữ mặc váy kaki, áo sơ mi trắng cổ lá sen, đội mũ cối - một sự pha trộn độc đáo giữa phong cách trẻ trung của các tiểu thư Hà Nội với sự trang nghiêm của những cán bộ cách mạng.

Họ đã đến từng nhà vận động người dân chuẩn bị cờ hoa, khẩu hiệu, làm cổng chào, tập đàn, tập hát chuẩn bị đón bộ đội về tiếp quản. Không có kinh phí, tất cả là huy động từ dân, do dân, đặc biệt là các gia đình buôn bán, kinh doanh có điều kiện ủng hộ vật liệu, vải vóc…

Những ngày đầu thật khó khăn: Đường phố không có hàng quán, nhiều nhà đóng kín cửa, không tiếp khách, đêm xuống có nhiều nơi phải đánh “phèng phèng” phòng cướp. Một bộ phận của đội tiếp quản gồm những người biết tiếng Pháp đã đóng vai các sĩ quan trực thuộc Ủy ban Liên hiệp đình chiến để tiếp nhận bàn giao các cơ quan, công sở… Họ được các viên chức người Pháp rất kính nể về tư cách, tri thức và khả năng ứng xử.

nguyenluu.jpg
Ông Nguyễn Văn Khang và nhà báo Nguyễn Lưu.

Đường phố Hà Nội những ngày đó trở nên vắng lặng, ảm đạm, âm thầm chuẩn bị cho ngày bung trào cảm xúc đón đoàn quân chiến thắng trở về.

Đêm 9-10-1954, mọi người gần như thức trắng để làm cổng chào, treo cờ, căng khẩu hiệu. Sáng 10-10-1954, loa phát thanh thông báo: “Đồng bào chú ý, sáng nay có bộ đội vào tiếp quản thành phố”.

Bà con hồ hởi chuẩn bị trang phục, nữ mặc áo dài, nam mặc áo vest, mang theo cờ, hoa, biểu ngữ đã được chuẩn bị sẵn đứng chật hai bên đường đón các đoàn quân tiến vào từ các cửa ô. Tất cả cùng hô vang các khẩu hiệu: “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Hoan hô bộ đội về tiếp quản Thủ đô”.

Sau khi bộ đội đã tản về các doanh trại nơi đóng quân, nhân dân còn ở lại cùng nhảy múa với các thành viên của đội tình nguyện bài “Yêu hòa bình Tổ quốc ta”. Nghe đến đây, nhà báo Nguyễn Lưu bày tỏ sự hứng khởi và nhắc lại giai điệu, ca từ của bài hát ấy.

Đặc biệt, trong số những người được tiếp xúc, tham gia công tác với Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô, có 24 người sau này đã tự thành lập một câu lạc bộ mang tên “10 tháng 10” ở khu phố Hoàn Kiếm (nay là quận Hoàn Kiếm) theo sáng kiến của bà Nguyễn Thị Vẻ, con gái cưng của ông chủ hãng sơn Ba Vì, có cửa hàng to vào loại nhất phố Hàng Nón.

Cho đến nay, cứ mỗi dịp tháng 10 hằng năm, câu lạc bộ vẫn tổ chức gặp mặt kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô. Họ vẫn hát và ngâm thơ về một thời thanh xuân đẹp đẽ, trong sáng, hồn nhiên, hào hùng với niềm vui sướng của những người vừa là chứng nhân, vừa tham gia vào những thời khắc lịch sử của đất nước.

Sau ngày 10-10-1954, Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô tiếp tục làm nhiệm vụ tuyên truyền chuẩn bị đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội; vận động bà con Công giáo ở lại, không di cư, tổ chức xe đưa họ về quê...

Nghe ông Khang nói, tôi lại nhớ bố tôi từng kể: “Ngày đó, bố mẹ đã dự định cùng gia đình bác gái (chị ruột của mẹ) vào Nam. Nhưng khi đến Hải Phòng, bố mẹ đã nghe theo lời vận động, quyết định không xuống tàu mà quay trở lại Hà Nội”.

Tôi cũng nhớ những năm dài sau đó, khi còn nhỏ xíu, tôi luôn bị bố mẹ dựng dậy từ 5h sáng để ra hè đường tập thể dục toàn dân theo tiếng hô trên đài phát thanh và tham gia quét dọn đường phố vào mỗi sáng thứ bảy. Đó thật sự là những ngày tháng sôi động, vui tươi khi được làm người dân của nước Việt Nam độc lập.

Tháng 4-1955, Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô đã kết thúc nhiệm vụ của mình một cách xuất sắc. Một số thành viên trong đội được chọn đi du học ở Trung Quốc, Liên Xô, Tiệp Khắc, Cộng hòa Dân chủ Đức... Một số tiếp tục là thanh niên xung phong đi lao động xây dựng đường sắt; khi đường tàu làm xong, họ đã vào các trường đại học.

Khoảng năm 1962-1963, hầu hết các thành viên đều đã tốt nghiệp đại học và cao học, trở thành những cán bộ cốt cán trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước, trong đó có những người là nòng cốt xây dựng Thành đoàn Hà Nội.

Hằng năm, các thành viên của đội thanh niên tiếp quản ngày ấy vẫn tổ chức họp mặt để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa dù nhiều người đã tuổi cao, sức yếu. Cứ mỗi năm số người tham gia cuộc gặp mặt truyền thống lại ít dần đi. Song, những thế hệ sau như tôi và các bạn, chúng ta không được phép quên họ, những con người chân chính của một khoảng thời gian lịch sử đặc biệt, cách đây đã 70 năm…

logo-tai-tro-cuocthi-fn.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Ngày trở về

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.