Thành phố Hà Nội đang triển khai xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị giai đoạn 2022-2025 với chỉ tiêu 40% phường, thị trấn đạt chuẩn vào năm 2025. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, các quận, huyện, thị xã đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, nỗ lực khắc phục khó khăn, vướng mắc, qua đó tạo bước đột phá, xây dựng các tiêu chí một cách vững chắc và thực chất.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Quán Thánh là một trong 3 phường thuộc quận Ba Đình được lựa chọn thí điểm xây dựng phường về kỷ cương và văn minh đô thị. Hiện phường đang gặp khó khăn trong việc hoàn thành các tiêu chí (bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, an ninh và trật tự) để được xét công nhận phường đạt chuẩn văn minh đô thị.
Tại thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm), mặc dù tuyến đường Hà Huy Tập, tuyến đường chính của thị trấn đã được công nhận là tuyến phố văn minh đô thị. Nhưng các tiêu chí khác để đạt thị trấn chuẩn văn minh đô thị còn vướng mắc. Chủ tịch UBND thị trấn Yên Viên Nguyễn Xuân Cương cho biết, thị trấn thiếu quỹ đất để phát triển hạ tầng công cộng. Hệ thống dây điện, dây thông tin chưa hạ ngầm đồng bộ. Nhiều người dân đến thuê trọ kinh doanh, buôn bán nên việc chấp hành quy định pháp luật còn chưa nghiêm.
Tại quận Thanh Xuân, bám sát các chỉ đạo của thành phố, địa phương đã đạt được những tiêu chí cơ bản. Tuy nhiên, để xây dựng các phường đạt chuẩn văn minh đô thị giai đoạn 2022-2025, quận Thanh Xuân còn một số khó khăn, vướng mắc, như: Quy hoạch giao thông, môi trường, trật tự đô thị chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa, dẫn đến ùn tắc giao thông cục bộ tại một số khu vực, nhất là vào các khung giờ cao điểm. Việc hạ ngầm, bó gọn các đường dây, cáp đi nổi chưa được thực hiện đồng bộ, tiến độ chậm, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Công tác phòng cháy, chữa cháy vẫn còn bất cập, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của người dân. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp cơ sở còn thiếu, chưa đồng bộ...
Tập trung nguồn lực để đạt chuẩn
Trước những khó khăn từ thực tế, các địa phương đang nỗ lực, tập trung nguồn lực để đạt chuẩn văn minh đô thị. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Quán Thánh Ngô Thùy Linh cho biết, cùng với UBND phường và các tổ chức thành viên xây dựng những mô hình gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Quán Thánh sẽ tiếp tục phát huy vai trò giám sát, tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân trong xây dựng phường điểm về kỷ cương và văn minh đô thị với mục tiêu nâng cao chất lượng sống của nhân dân.
Theo Chủ tịch UBND thị trấn Yên Viên Nguyễn Xuân Cương, năm 2024, đường Hà Huy Tập, hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh sẽ được đầu tư đồng bộ, góp phần thay đổi diện mạo địa phương. Khi huyện Gia Lâm được chuyển đổi lên quận, thị trấn Yên Viên sẽ có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, hạ tầng, thêm thuận lợi trong việc thực hiện các kế hoạch xây dựng thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, nâng cao tiện ích phục vụ đời sống nhân dân.
Về phía quận Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Khánh Hòa cho biết, quận sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong triển khai xây dựng phường đạt chuẩn văn minh; tiếp tục đề ra các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục khó khăn, tồn tại về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Quận sẽ lồng ghép nội dung kiểm tra phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào gắn với việc thực hiện tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận phường đạt chuẩn văn minh đô thị. UBND quận Thanh Xuân sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết để hoàn thành chỉ tiêu xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị tại các phường: Kim Giang, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Hạ Đình...
Với sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, có thể tin tưởng thành phố Hà Nội sẽ sớm hoàn thành các tiêu chí phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Qua đó, Thủ đô sẽ ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Ngày 14-11-2023, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 271/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. Theo đó, để đạt chuẩn đô thị văn minh thì cần đáp ứng được 9 tiêu chí cơ bản, gồm: Quy hoạch đô thị, giao thông đô thị; môi trường và an toàn thực phẩm; an ninh và trật tự; thông tin và truyền thông đô thị; việc làm, thu nhập và hộ nghèo; văn hóa, thể thao; y tế, giáo dục; hệ thống chính trị và trách nhiệm chính quyền của đô thị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.