Văn hóa

Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Khí quyển niềm tin

Hoàng Hoa 28/04/2024 11:55

Chuyến đi này tôi gặp thêm những người mà trong suy nghĩ, lời nói của họ, khi nhắc đến đấng thiêng, lúc nào cũng có niềm tôn kính. Thật lạ, truyền thuyết ăn sâu bén rễ bao thế hệ đến mức nào để tận đời nay trong cuộc sống ô tô, điều hòa, vi tính, mạng xã hội, số hóa tơi tới, và chợ búa siêu thị tưng bừng, giá vàng giá đất vun vút, vùn vụt... người ta vẫn quyến luyến ánh hào quang xưa đến thế!

Anh Bùi Huy Giáp, Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì, người con xã Ba Trại, đón chúng tôi thăm đền Hạ, đền Trung, lên chùa Tản Viên với niềm cung kính thường trực. Anh là người dân tộc Mường, sống ở nơi phần lớn đồng bào Mường sinh sống nên hay “dẫn đoàn”. Nhiệt tình với sự tò mò của khách trên những cung đường kéo lên cao, đi sâu dần vào "vùng xanh" Vườn quốc gia Ba Vì, anh kể những dự định của người nơi đây, mong truyền đi lòng kính ngưỡng đức thánh Tản Viên Sơn. Cả người Mường, người Dao, người Kinh sống quanh chân núi, trong các thôn, bản xanh tốt với khí hậu mát mẻ và những màn sương trắng huyền diệu bao trăm năm nay đều ơn kính ngài như đấng chở che và truyền thêm sức lực cho cuộc mưu sinh vốn cũng lắm thăng trầm, đa đoan qua những thời đoạn.

den-ha-ba-vi.jpg
Đền Hạ nằm dưới chân núi Tản Viên (Ba Vì) thờ Đức thánh Tản Viên - Sơn Tinh, vị thần tối linh trong "Tứ đại bất tử" của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Ảnh: Vũ Minh

Nghe anh Giáp kể, tôi liên tưởng đến bao nhiêu thôn, xã những địa bàn ngoài đất Ba Vì này, những vùng đồng quê đất bãi từ mạn sông Đà thoải về phía sông Tích, sông Đáy, sông Hồng, vẫn thường ngắm ba chỏm núi dựng lên uy nghi trong mây mù, chứ để đi tới cũng còn đằng đẵng. Vậy nhưng vẫn chung việc phụng thờ thánh Tản và các vị phò tá ngài. Bà con nhiều thôn xã tôn ngài và các vị ấy như thành hoàng, như những phúc thần phù trì cho ruộng lúa tốt tươi, trâu khỏe bò béo, người người đẹp đẽ như cây như hoa.

Như ở miền Liệp Tuyết, Quốc Oai kia, có cả tục hát Dô đối đáp giữa đôi bên nam nữ - tương truyền là hát dâng ngài thưởng thức đó! Tôi nghĩ đến đền Và ở Sơn Tây, gọi là Đông cung, nơi nổi tiếng thiêng liêng, huyền bí, thấy đền xa xa trên gò, thấp thoáng trong vùng lim xanh mát, là tưởng như có ánh mắt ngài đang nhìn ra như hỏi ý định bước chân ta khi đặt đến miền đá ong này. Tôi lại nhớ có lần đi qua hai quả núi nhìn khá đều nhau ở mạn Xuân Khanh - Sơn Tây. Cũng tương truyền rằng xưa ngài gánh hai sọt đất lớn, quang gánh bị đứt nên vương vãi thành núi ra như thế... Ôi, qua nhiều nơi, như đâu cũng thấy phảng phất dáng thiêng hiện ngự, vừa xa vừa gần, vừa ảo mờ vừa như thoáng hiện, trong tình cảm những con người thật.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh khi hào hứng nói về những hoạt động du lịch sẽ tận dụng hai tiềm năng lớn là sinh thái và tín ngưỡng, cũng nhấn mạnh cái ý nghĩa nhờ công đức thánh Tản, dựa vào huyền thoại hàng nghìn năm trước, tới nay vẫn linh. Thế nên, như lời anh Bùi Huy Giáp, tục đưa ngài qua sông Đà, nửa đêm về bờ bên kia thăm mẹ người ta vẫn giữ. Bên ấy thuộc địa bàn huyện Thanh Thủy, Phú Thọ, có đền thờ mẹ của ngài, dân gian gọi là bà Đinh Thị Đen.

Còn như Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh giới thiệu, thì lễ đền bà vào năm chẵn, ở bên này địa phương và người dân tổ chức rước đưa “con” về chào “mẹ”.

Tôi cứ nghĩ đến những đường đi của ngài mà bồi hồi nghèn nghẹn. Con đường chàng Sơn Tinh sang đất Phong Châu cầu hôn Mỵ Nương, ngay sớm hôm sau đủ đầy sính lễ voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao. Con đường đưa người vợ đẹp - con gái Hùng Vương thứ mười tám về quê mới Ba Vì. Những nẻo đường chân núi, dọc sông trong gió giông mù trời, mưa lớn sấp mặt, sóng cồn gào thét, ầm ầm tiếng thủy quân thuồng luồng, ba ba, ngài cùng trai đinh, con dân các làng mạc, và cả thần tướng, thú rừng chống chọi, đào đất đắp đê ngăn lũ lụt, ngăn nỗi hận tàn hại do cơn ghen vô cớ Thủy Tinh đòi chiếm lấy người đẹp.

Cứ như thế, những con đường chống chịu thiên tai lở đất long trời suốt năm này tháng khác. Để những trăm năm qua đến hôm nay, có phải thế không, mà những dải đê lớn lao uốn lượn đi khắp những nẻo sông Đồng bằng Bắc Bộ. Những con đường khổng lồ và kỳ vĩ bằng sức lực những trăm thế hệ người gồng gánh, bằng cả niềm tin linh thiêng nơi trần thế của nông dân nghìn đời. Niềm tin được đốt nóng trong tâm can bằng truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh, bằng niềm biết ơn bậc kỳ nhân có nhiều công ơn với con dân. Để nghìn ánh mắt, vạn đôi tay, triệu bước chân đã đắp nên, gồng nên những bức tường thành che chở xóm làng.

Cố nhiên, giải thích theo cụ thể đời thực, ta biết về những công trình xuyên thế kỷ đó, là một trong những sản phẩm đồ sộ của văn minh lúa nước, của lịch sử nông thôn và truyền thống người nông dân trải bao cơn bão lũ. Đắp đê mà ngăn nước ngập. Một tác dụng khác, cũng để làm hệ thống đường quan trọng nối các địa bàn của xã, của huyện... Nhưng bên cạnh mục đích thiết thực trong đời thường sinh sống của cư dân ruộng đồng, ao chuôm, sông ngòi, lúa má, vẫn có câu chuyện linh thiêng về Sơn Tinh trị thủy, đức thánh Tản dạy dân nghề nông, nghề săn bắt và bảo vệ quê hương, bản quán. Anh linh ấy đã truyền thêm niềm tin, ý chí, những nung nấu, những miệt mài cho đời sống tinh thần của người dân được lớn thêm với những ngưỡng vọng, suy tưởng, nguyện cầu.

Vẫn là sức người làm nên cho mình cửa nhà, làng mạc và những mùa màng. Nhưng sức người đã được gieo thêm năng lượng trong vùng khí quyển niềm tin tỏa ra từ rừng núi Ba Vì xanh thẳm. Ngắm núi từ rất xa, ở nhiều vị trí, mải trông những đỉnh nhọn thẫm xám vươn trên từng không mây cuốn vần vũ, tôi cảm thấy một tượng hình rất sinh động của sự uy nghi, thiêng liêng tỏa ra từ chốn linh sơn. Và thấy núi không còn là tồn tại vật chất của một thắng cảnh. Đó là một hiện diện bền lâu của tín ngưỡng dân gian.

Và như thế, lúc này, theo những con đường mới vững chãi lên dần trên cao núi Tản, tưởng như mình di chuyển trên một vùng sống động được trăm vạn tâm hồn của rất nhiều đời người kết dệt nên. Tạm chưa đánh giá về thẩm mỹ, chất lượng mỹ thuật ở một số điểm thờ tự hay không gian vui chơi, nghỉ dưỡng khu vực Ba Vì trước kia, tôi thấy nhiều nơi đều thích đắp tượng hay thể hiện hình tượng đức thánh Tản trong khuôn viên. Đó cũng chính là việc cụ thể hóa niềm tin tâm linh theo cách của các nhà tổ chức, quản lý không gian đó. Và bao nhiêu khu du lịch quanh chân núi tỏa rộng ra, đã quy hoạch, bố trí theo cách hướng về núi Tản như một đại cảnh dành cho du khách chiêm ngưỡng, kèm theo những câu chuyện, những lời nhắc nhớ không thể thiếu về cuộc đời, hành trạng của đức thánh Tản từ thuở nào đó rất lâu rồi.

Bước lên vùng đất này, tôi như được đắp bồi thêm một sức lực, truyền nối thêm một trách nhiệm. Đó là cùng giữ lấy vẻ đẹp lớn lao của thiên nhiên và huyền thoại. Chẳng phải xưa kia, phò mã Sơn Tinh đã cất lời hiệu triệu chống lại nguy cơ tàn phá của giặc nước để bảo toàn xóm làng, ruộng đồng và sinh mạng con người. Nay, cũng từ ý nguyện cao cả thuở nào, những người ở đây, những người đến đây, trước những nguy cơ đổi thay, biến dạng, phải biết giữ lấy Ba Vì, giữ gìn núi Tản tuyệt vời - ngọn núi Cả, núi cội nguồn trong vùng khí quyển niềm tin nước Việt!

logo-dien-tu2-02.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Khí quyển niềm tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.