(HNM) - Hà Nội được coi là cái nôi của nghệ thuật ca trù với 14 câu lạc bộ (CLB) đang hoạt động tại cơ sở. So với thời điểm ca trù được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, thì ca trù ở Hà Nội hiện nay khởi sắc hơn rất nhiều.
Ca nương Nguyễn Thục Trinh biểu diễn tại Liên hoan nghệ thuật ca trù Hà Nội 2017. |
Nuôi dưỡng tài năng từ niềm đam mê
Tại Liên hoan nghệ thuật ca trù Hà Nội 2017 vừa diễn ra, ca nương Nguyễn Thục Trinh (9 tuổi), đến từ CLB Ca trù Lỗ Khê, xã Liên Hà (Đông Anh) gây bất ngờ cho những người yêu nghệ thuật truyền thống khi em có thể hát những thể cách khó của ca trù như hát nói, bỏ bộ, bắc phản... “Giọng ca của ca nương nhí này đạt độ vang, rền, nền, nảy chuẩn mực của ca trù, càng nghe càng mê, càng say”, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, Trưởng ban giám khảo Liên hoan nhận xét. Trước đó, Nguyễn Thục Trinh đã gây tiếng vang tại Liên hoan Tài năng trẻ ca trù Hà Nội năm 2016 và nhiều cuộc thi khác.
Nguyễn Thục Trinh sinh ra trong gia đình không có truyền thống làm nghệ thuật, không ai biết hát ca trù, nhưng niềm đam mê nghệ thuật truyền thống đến với em từ khi học mẫu giáo. Chị Dương Thị Ly, mẹ ca nương Thục Trinh cho biết: “Năm Thục Trinh học lớp mẫu giáo lớn, tình cờ cháu được nghệ nhân Phạm Thị Mận dạy hát ca trù và “bén duyên” từ đó. Không có thời gian, điều kiện tham gia sinh hoạt trong các CLB nghệ thuật thường xuyên, Thục Trinh thường lên mạng tải các bài hát để tập luyện. Trước khi đi biểu diễn hay tham gia các cuộc thi, cháu nhờ cô Phạm Thị Mận kèm tập. Nhờ khả năng trời phú, cháu học nhanh, hát tốt”.
Nuôi dưỡng niềm đam mê cho con, gia đình Nguyễn Thục Trinh sẵn sàng đầu tư thời gian, kinh phí để cháu được rèn luyện, học tập trong môi trường chuyên nghiệp. Tương tự, những ca nương ở lứa tuổi 14-16 như Nguyễn Thị Ngọc Mai, CLB Ca trù xã Thượng Mỗ (Đan Phượng), Phó Thị Hải Lý, Nguyễn Thị Phương Anh, CLB Ca trù An Khánh (Hoài Đức)… đều được nuôi dưỡng tài năng, niềm đam mê từ những cái nôi của nghệ thuật ca trù truyền thống.
Mừng hơn, “thí sinh” tham gia các cuộc liên hoan ca trù gần đây có cả các nghệ nhân ở tuổi… xưa nay hiếm như các cụ Nguyễn Thị Khướu (91 tuổi) của CLB Ca trù Chanh Thôn (Phú Xuyên); Chu Xuân Cang (81 tuổi) CLB Ca trù An Khánh… “Nghệ thuật ca trù ở Hà Nội đang có sự kế thừa và tiếp nối giữa các thế hệ. Điều đó cho thấy, tự thân lớp trẻ vẫn yêu nghệ thuật truyền thống, không quay lưng với nghệ thuật truyền thống như chúng ta lo lắng”, ông Đặng Hoành Loan khẳng định.
Cần có đề án bảo tồn
Hà Nội hiện sở hữu “vốn” ca trù nhiều nhất, phong phú nhất cả nước. Sau gần 8 năm được UNESCO vinh danh, ca trù ở Hà Nội đang hồi sinh, phát triển mạnh mẽ. Thống kê của Sở VH-TT Hà Nội cho thấy, trên địa bàn thành phố có 14 CLB, nhóm ca trù đang hoạt động sôi nổi. Một số CLB tạo được uy tín, tiếng vang lớn trong và ngoài nước như CLB Ca trù Thái Hà, CLB Ca trù Hà Nội, CLB Ca trù Lỗ Khê, Giáo phường Ca trù Thăng Long… Số người thực hành ca trù ở Hà Nội từ chỗ có thể đếm trên đầu ngón tay, nay có hàng trăm người tham gia sinh hoạt thường xuyên, trong đó có khoảng 50 người đủ khả năng truyền dạy. Mặc dù vậy, ca trù vẫn chưa hồi sinh, phát triển như công chúng kỳ vọng. Nguyên nhân là vì các CLB còn thiếu kinh phí, thiếu định hướng trong quá trình hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Đạm, Chủ nhiệm CLB Ca trù Lỗ Khê cho hay: Lỗ Khê cũng như nhiều địa phương khác có lớp nghệ nhân gạo cội, có đội ngũ kế cận yêu ca trù, chỉ vì nguồn kinh phí eo hẹp nên các lớp truyền dạy không được tổ chức thường xuyên.
Để di sản ca trù ở Hà Nội hồi sinh đúng hướng, phát triển bền vững, bà Lê Thị Minh Lý (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa) cho rằng, trên cơ sở kiểm kê, đánh giá toàn diện, tổng thể về ca trù, Hà Nội nên xây dựng đề án bảo tồn cụ thể, phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Trong đề án này, các cơ quan chức năng nên ưu tiên đầu tư, tạo điều kiện cho ca trù có không gian biểu diễn, truyền dạy thường xuyên.
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan kiến nghị, thay vì lo tìm lớp người kế cận, Hà Nội nên đưa ra các giải pháp để lớp trẻ hăng say hơn trong quá trình tìm hiểu, tiếp nối và cống hiến. Đó là việc đầu tư kinh phí hợp lý cho các CLB trao truyền, nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật trong cộng đồng; tăng cường vai trò tư vấn chuyên môn của các nhà khoa học đối với hoạt động của các CLB, giúp các CLB thực hành di sản bài bản hơn. “Lớp trẻ hiện nay thực hành di sản theo phong cách của nghệ nhân xưa, khá chuẩn chỉ và bài bản.
Tuy nhiên, ca trù cũng như các di sản khác cần có sự kế thừa và sáng tạo để khán giả thấy rõ hơn cái hay, cái đẹp của loại hình nghệ thuật này. Để làm được như vậy, các nhà khoa học, các cơ quan quản lý cần song hành, vào cuộc tích cực hơn nữa với các địa phương, các CLB trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản ca trù”, ông Đặng Hoành Loan kiến nghị.
Về vấn đề này, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội khẳng định, Hà Nội đã, đang và tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích các CLB, các nghệ nhân ca trù hoạt động, phát triển thông qua các hội thi, hội diễn, qua chương trình giáo dục di sản trong trường học. Ngành Văn hóa với chức năng quản lý nhà nước về di sản sẽ phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng đề án bảo tồn di sản ca trù trên cơ sở phù hợp với đặc thù của Thủ đô, góp phần thiết thực đưa ca trù thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Rõ ràng ca trù ở Hà Nội đang khởi sắc, song để di sản phát triển bền vững không thể không có đề án bảo tồn cụ thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.