Văn nghệ

Mạch nguồn văn hóa ca trù Lỗ Khê

Đỗ Minh 12/12/2023 - 18:38

Đến thôn Lỗ Khê (xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) không chỉ được thưởng thức món bánh chưng truyền thống thơm lừng mà còn được nghe những câu ca trù đặc sắc. Được mệnh danh là "nôi của ca trù" nên dù cuộc sống hiện đại tác động mạnh mẽ, tiếng ca ở Lỗ Khê vẫn bảo tồn, phát triển.

anh-ca-tru-dinh-lang-lo-khe.jpg
Người dân Lỗ Khê vẫn giữ nếp hát ca trù mỗi dịp làng có hội.

Gìn giữ tiếng ca

Có dịp về Đông Anh đúng thời điểm Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Anh phối hợp với xã Liên Hà tổ chức các lớp dạy ca trù cho người dân trên địa bàn. Theo chia sẻ của Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Anh Trần Thị Dịu, ca trù Lỗ Khê là di sản văn hóa của người dân Đông Anh nói riêng và Hà Nội nói chung.

Để bảo tồn, gìn giữ ca trù, hằng năm, huyện đều tổ chức các lớp học dạy ca trù cho người dân trên địa bàn huyện và địa phương khác khi có nhu cầu đăng ký. Đầu tháng 12-2023, Phòng đã tổ chức 4 lớp, trong đó có 3 lớp cơ bản học phách, hát, đàn như: Luyện cách chơi đàn đáy, cách lấy hơi, nhả chữ, cách sử dụng bộ phách gõ lấy nhịp và hát ca trù; 1 lớp nâng cao dành cho người đã có kỹ năng cơ bản. Theo đó, 4 Nghệ nhân ưu tú của Câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê là giáo viên trực tiếp tham gia truyền dạy, thời gian học tập cho mỗi lớp trong 30 ngày vào các buổi tối.

anh-2-ca-tru.jpg
Các nghệ nhân Câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê, xã Liên Hà thường xuyên mở các lớp dạy hát cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân Phạm Thị Mận cho biết, theo nhiều ghi chép để lại, Lỗ Khê là cái nôi sinh ra ca trù đất Bắc. Đây là bộ môn diễn xướng nghệ thuật kết hợp nhuần nhuyễn đỉnh cao giữa thơ ca và âm nhạc, thịnh hành từ thế kỷ XV.

Theo ngọc phả tại đền thờ Ca Công, thờ Tổ ca trù là ông Đinh Dự, con của tướng Đinh Lễ. Từ bé, Đinh Dự đã bộc lộ tài năng ca hát, khi lập gia đình, vợ ông, bà Đường Hoa Tiên Hải cũng có năng khiếu ca hát. Hai vợ chồng Đinh Dự đã mở giáo phường dạy hát, nổi tiếng khắp vùng. Học trò của họ theo học khá đông, là người trong làng và ở các nơi, các phủ quanh vùng đến theo học.

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, đã triệu vợ chồng ngài Đinh Dự về kinh đô để biểu diễn và ban thưởng. Sau khi Đinh Dự mất, Vua cho triệu vời Quản giáp Lỗ Khê về kinh đô nhận mỹ tự “Sinh từ tự điển” (Điển lễ thờ cúng) giao giáo phường thờ phụng vợ chồng ngài Đinh Dự.

Để ghi nhớ công ơn đó, người dân Lỗ Khê xây dựng nhà thờ Ca Công vào năm 1430. Năm Canh Thìn 1460, Vua Lê Thánh Tông lên ngôi, xét công trạng, đã phong Đinh Dự là “Thanh xà Đại vương” và phong cho bà vợ là “Mãn Đường Hoa công chúa”. Vợ chồng ngài Đinh Dự, Tổ sư của ca trù đã được giáo phường Lỗ Khê tạc tượng từ giữa thế kỷ XV, nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn ở nhà thờ Ca Công.

Đến nay, cứ đến ngày sinh (6 tháng Tư âm lịch) và ngày mất (13 tháng Mười một âm lịch) của Tổ nghề, con cháu theo nghề ca trù khắp nơi trong cả nước lại về bái lễ và hát thờ trình Tổ tại cửa đền, kéo dài tới 2-3 ngày. Hiện nay, hai họ Nguyễn Văn và Nguyễn Thế ở Lỗ Khê được coi là những họ được truyền nghề của địa phương từ khi Tổ nghề mất cho đến tận bây giờ…

anh-ca-tru-truyen-day(1).jpg
Các nghệ nhân dạy múa cổ cho các em nhỏ.

Em Nguyễn Thị Linh - một trong những học sinh trong thôn Lỗ Khê tâm sự: Nghe các ông, bà hát ca trù, em thấy cuốn hút bởi tiếng hát, tiếng gõ phách nhịp nên đăng ký theo học...

Đưa ca trù thành sản phẩm du lịch văn hóa

Tồn tại gần 600 năm nay, ca trù Lỗ Khê tuy thăng trầm nhưng khói hương ở nhà thờ Tổ không bao giờ ngừng, kể cả trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, chức Quản giáp hai họ Nguyễn Văn, Nguyễn Thế vẫn thay nhau làm; đến năm 1993 mới chuyển thành Ban Quản lý nhà thờ do các cụ hai họ cử ra. Ngày nay, cứ mùng một hằng tháng, hai họ vẫn sửa vấn lễ cúng Tổ.

Để gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể này, UBND huyện Đông Anh chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với xã Liên Hà xây dựng kế hoạch mở lớp dạy ca trù hằng năm cho người dân trên địa bàn và cả người dân địa phương khác khi có khu cầu.

anh-3-ca-tru.jpg
Câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê còn lưu giữ nhiều bản hát cổ.

Nghệ nhân kép đàn Nguyễn Văn Tuyến chia sẻ, các lớp dạy ca trù tại xã Liên Hà tuy diễn ra trong thời gian ngắn nhưng cũng đủ để các nghệ nhân truyền lửa, truyền nghề cho thế hệ sau gìn giữ tiếng ca trù.

Để giữ lại “vốn liếng” cho thế hệ sau, Câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê còn tìm trong các văn bản cũ về nghệ thuật ca trù rồi phiên âm ra tiếng Việt. Các tài liệu được các nghệ nhân trong Câu lạc bộ ca trù biên soạn gồm: Ca trù hát Cửa đình (các bài hát của giáo phường xưa), sưu tầm được 40 thể loại bài hát Cửa đình với nội dung còn nguyên vẹn; đồng thời, ghi chép được 12 bài múa cổ, như: Múa tiên, múa bỏ bộ, múa tứ linh…

lop-ca-tru-lo-khe.jpg
Lớp tập huấn ca trù được huyện Đông Anh tổ chức hằng năm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho hay, những năm qua, huyện đã có nhiều chương trình, kế hoạch, đề án bảo tồn và phát huy giá trị của các bộ môn nghệ thuật truyền thống huyện Đông Anh, trong đó có ca trù. Ngành Văn hóa - Thông tin huyện và Câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê hằng năm đều tổ chức các lớp truyền dạy ca trù.

Năm 2023, UBND xã Liên Hà phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Đông Anh, Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao nghệ thuật hát ca trù, học ca trù cho hàng chục học viên.

“Các lớp ca trù tại xã Liên Hà tuy diễn ra trong thời gian ngắn, song với sự đam mê của người học, sự tận tâm truyền dạy của các nghệ nhân, đã đạt được những kết quả nhất định, qua đó góp phần lưu giữ, bảo tồn bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, thiết thực thực hiện hiệu quả Đề án của UBND huyện Đông Anh về bảo tồn các bộ môn nghệ thuật truyền thống giai đoạn 2020-2023. Thời gian tới, huyện sẽ xây dựng đưa điểm ca trù Lỗ Khê thành điểm du lịch văn hóa”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh chia sẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mạch nguồn văn hóa ca trù Lỗ Khê

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.