(HNMO) - Diễn ra trong một ngày, Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ ba - năm 2022 tiếp tục bám sát tình hình, thực trạng hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm nghệ thuật Ca trù trên địa bàn thành phố, nhằm tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng tài năng tiếp bước các thế hệ gìn giữ và phát huy giá trị di sản Ca trù trên mảnh đất ngàn năm văn hiến. Sự kiện do Sở Văn hóa và Thể thao khởi động sáng 24-12 tại Bảo tàng Hà Nội, thu hút 140 nghệ nhân, ca nương, kép đàn, đào hát… tham dự.
Nhịp phách vang giòn
Đã trở thành điểm hẹn quen thuộc với những người thực hành và trân quý di sản Ca trù, Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ ba - năm 2022 tiếp tục thu hút sự quan tâm của cộng đồng gìn giữ, trao truyền di sản cũng như lớp công chúng yêu mến môn nghệ thuật sang trọng và kén người thưởng thức này. Không gian sảnh tầng 1, Bảo tàng Hà Nội tập trung rất đông người chăm chú theo dõi các tiết mục biểu diễn trên sân khấu. Bên cạnh những nghệ nhân kỳ cựu, gắn bó với nhiều kỳ liên hoan, còn có những gương mặt mới không giấu được vẻ hồi hộp và háo hức của lần đầu tham gia sự kiện hội tụ đông đảo tài năng Ca trù Hà Nội.
Ca nương Nguyễn Mai Phương (13 tuổi, câu lạc bộ ca trù Thượng Mỗ, Đan Phượng) chia sẻ: Con đã có 2 năm tham gia lớp truyền dạy Ca trù của nghệ nhân Nguyễn Thị Minh Tam. Đều đặn mỗi tuần một buổi, con được học sử dụng phách và hát các thể cách cơ bản. Với con, khó nhất là ghép phách với đàn, sao cho tiếng phách giòn, đều, đúng nhịp, sau nữa là làm sao giữ được hơi tốt khi hát, tiếng tròn đủ độ ngân, vang…
Cùng với Nguyễn Mai Phương, rất nhiều câu lạc bộ, nhóm nghệ thuật Ca trù cũng mang đến những gương mặt mới, cho thấy thành quả của quá trình gìn giữ, trao truyền di sản ở địa phương; trong đó có không ít ca nương nhí đã chuẩn chỉ trong lối hát, gieo phách chắc, tay róc phách đẹp. Nhiều thí sinh tuy mới được tiếp cận với ca trù trong thời gian ngắn, đã thể hiện tốt các thể cách cơ bản. Đặc biệt, kỳ liên hoan lần này cũng xuất hiện thêm những kép đàn và quan viên mới, phản ánh sức sống của loại hình di sản này trên địa bàn Hà Nội.
Theo Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Ngoan (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn, Phú Xuyên): Mấy năm nay, các hoạt động giao lưu, trình diễn bị chững lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến chúng tôi rất nhớ nghề, nhớ sân khấu. Liên hoan lần này là cơ hội để các nghệ nhân và lớp học trò thể hiện tài năng; các câu lạc bộ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến trong truyền dạy. Cũng theo Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Ngoan, những câu lạc bộ, nhóm nghệ thuật thuộc địa bàn xa cách với trung tâm như Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn thường rất khao khát những cơ hội gặp gỡ, trình diễn như thế này, vừa để nhận thấy những hạn chế hay tiến bộ để khắc phục, phát huy, vừa là dịp tuyên truyền, quảng bá, huy động tình cảm, sự quan tâm của cộng đồng dành cho di sản.
Củng cố lớp kế thừa, phát huy giá trị di sản
Sau 12 năm vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (năm 2009) của UNESCO, Ca trù của Việt Nam đã có sự trở lại mạnh mẽ, nhờ sự chung tay của cả cộng đồng. Tại Hà Nội, nơi được coi là một trong những cái nôi ca trù lớn nhất cả nước, loại hình nghệ thuật này đã và đang từng bước lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, nếu như vào năm 2009, thời điểm UNESCO xác định Ca trù cần bảo vệ khẩn cấp, Hà Nội chỉ có một vài giáo phường hoạt động cầm chừng, thì nay đã có gần 20 nhóm, câu lạc bộ sinh hoạt, biểu diễn đều đặn, lưu giữ được trên 30 thể cách, điệu múa cổ và phát triển thêm gần 20 làn điệu mới; hơn 50 người có khả năng truyền dạy, trong đó có 8 Nghệ nhân nhân dân, 24 Nghệ nhân ưu tú… cùng hàng trăm người theo học, góp phần quan trọng vào việc đưa Ca trù Hà Nội ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp cũng như nâng cao chất lượng công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Ca trù.
Theo bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội: “Tham gia liên hoan lần này là 12 nhóm, câu lạc bộ Ca trù trên địa bàn Hà Nội với 92 thành viên có độ tuổi từ 5 đến 83. Cùng với đó là 48 thí sinh hoạt động tự do đăng ký tham dự. Liên hoan năm nay tiếp tục có sự phân loại thí sinh theo độ tuổi để có mức đánh giá công bằng nhất. Ngoài những tiêu chí chấm giải chung về trang phục, không gian biểu diễn, sự hòa hợp ăn ý, năm nay, tiêu chí riêng đối với mỗi hạng mục dự thi cũng được chú trọng đặc biệt. Theo đó, tiêu chí đúng lề lối, thể cách luôn được đề cao với tất cả các hạng mục”.
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, liên hoan là dịp nhìn lại thành quả phục hưng Ca trù tại Hà Nội, góp phần vào kết quả thực hiện cam kết với UNESCO về bảo vệ và phát huy giá trị của di sản Ca trù trong đời sống đương đại. Kết quả của liên hoan sẽ là một cơ sở dữ liệu tiến tới thực hiện hồ sơ xin chuyển di sản ca trù từ danh sách "Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp" sang danh sách "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại".
“Để bảo tồn, phát huy, tạo sức sống bền vững cho nghệ thuật ca trù, bên cạnh nỗ lực của các cộng đồng nắm giữ di sản, cần sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ phía cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương trong việc tạo nguồn kinh phí hoạt động, chế độ đãi ngộ nghệ nhân, tổ chức truyền dạy, phát triển không gian trình diễn... Đặc biệt là công tác truyền dạy, cần chú ý đào tạo ca nương, kép đàn đúng chuẩn mực, không chạy theo số lượng, phong trào, để bảo đảm về chất”, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan nêu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.