(HNM) - Cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác, Di sản ca trù ở Hà Nội sau 5 năm được UNESCO vinh danh (ngày 1-10-2009) đã có sự hồi sinh, phát triển nhất định, nhưng vẫn trong tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp.
Không thất truyền,nhưng chưa thể phát triển
Mặc dù đoàn Hà Nội gặt hái được nhiều huy chương tại Liên hoan Ca trù toàn quốc diễn ra cuối tháng 8 vừa qua, nhưng ngành văn hóa Hà Nội vẫn thừa nhận công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản ca trù trên địa bàn thành phố 5 năm qua chưa như mong đợi. Ở thời điểm năm 2008 trở về trước, những người yêu môn nghệ thuật này không mấy xa lạ với cái tên Trung tâm Văn hóa ca trù Thăng Long hay CLB Hương Sắc… nhưng thật tiếc, các đơn vị này đã ngừng hoạt động ngay từ năm 2009 vì rất nhiều lý do. Ngay cả nhóm ca trù Tràng An của nghệ nhân Phó Thị Kim Đức từng hoạt động sôi nổi một thời, nay cũng chỉ còn trong hoài niệm. Những CLB ca trù được đánh giá là hoạt động đều đặn nhất hiện nay cũng không tránh khỏi tình trạng vơi dần nghệ nhân, thiếu đất diễn. Ví như Giáo phường ca trù Lỗ Khê, xã Liên Hà (Đông Anh) có thời điểm lên tới 80 hội viên, hiện chỉ còn hơn 50 hội viên, trong đó lượng ca nương, kép đàn có thể biểu diễn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đáng nói hơn, số CLB ca trù của Hà Nội đã giảm từ 15 CLB (năm 2009) xuống còn 11 CLB vào năm 2013 và số nghệ nhân có thể thực hành di sản chỉ là 183 người. Đến năm 2014, bức tranh di sản có phần tươi sáng hơn khi một nhóm bạn trẻ là học trò của nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc và Nguyễn Phú Đẹ tự thành lập CLB Ca trù Phú Thị, nâng số CLB ca trù của Hà Nội lên con số 12 với 187 người có khả năng thực hành di sản. Tại Liên hoan Ca trù toàn quốc vừa qua, lớp ca nương "măng non" đã xuất hiện với những cái tên như: Nguyễn Thị Hương Trà (4 tuổi) đến từ nhóm ca trù nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Khánh Linh (18 tuổi) đến từ CLB Ca trù Ngãi Cầu, An Khánh (Hoài Đức)…
Di sản ca trù cần được bảo tồn và phát huy.Ảnh: Bá Hoạt |
Từ những dẫn chứng kể trên, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở VH-TT&DL Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh nhận định: "Di sản ca trù ở Hà Nội không thất truyền, song cũng chưa thể hồi sinh, phát triển như chúng ta mong muốn".
Chủ động vượt khó
Đứng trước vô vàn khó khăn, một số CLB ca trù ở Hà Nội đã "tự thân vận động" để tồn tại. Chẳng hạn, CLB Ca trù Hà Nội thường xuyên biểu diễn tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bích Câu Đạo quán (14 Cát Linh, quận Đống Đa), đình Kim Ngân (42 - 44 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm)… CLB Ca trù Thăng Long đào tạo được lớp ca nương, kép đàn kế cận có tính chuyên nghiệp cao, khôi phục xong lối hát thờ cửa đình đưa vào phục vụ lễ hội truyền thống, khôi phục thành công lối hát chơi phục vụ du khách trong nước, quốc tế tại ngôi nhà di sản 87 phố Mã Mây. Đây cũng là CLB tích cực quảng bá di sản ca trù tới nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, các thành viên CLB Ca trù Đồng Trữ, xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ) đã biểu diễn ca nhạc, quan họ để lấy kinh phí "nuôi" ca trù… Cùng với việc khai thác "nguồn lực" nội sinh, sau khi ca trù được UNESCO vinh danh, nhiều CLB đã nhận được sự quan tâm của ngành văn hóa cũng như chính quyền các địa phương. Cụ thể, năm 2010, Sở VH-TT&DL Hà Nội đã xuất bản cuốn sách: "Ca trù Hà Nội trong lịch sử và hiện tại" dày 700 trang, cung cấp khối tư liệu phong phú về di sản ca trù cho những người quan tâm. Năm 2012, Sở VH-TT&DL Hà Nội tiếp tục tổ chức ghi hình đĩa VCD chương trình "Tọa đàm về giải pháp bảo tồn hát ca trù trên địa bàn Hà Nội" làm "cẩm nang" cho các CLB hoạt động; tổ chức liên hoan ca trù để các CLB giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Anh, Phú Xuyên cũng đã hỗ trợ một phần kinh phí cho các CLB ca trù trên địa bàn duy trì hoạt động, mở rộng hội viên…
Tuy nhiên, ca trù là môn nghệ thuật kén người học, người nghe nên không phải ai cũng có thể theo học. Mặt khác, chính sách đãi ngộ nghệ nhân - những báu vật nhân văn sống - một thời gian dài không phù hợp khiến một số nghệ nhân không mặn mà với nghề, một số người khác vì tuổi cao, sức yếu không còn đủ khả năng truyền dạy. Công tác tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân theo tinh thần Nghị định 62/2014/NĐ-CP mang lại niềm hy vọng cho những người hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nói chung, ca trù nói riêng hiện tại đang bị "tắc" ở khâu làm hồ sơ. "Thủ tục rườm rà, rắc rối khiến những người hội đủ điều kiện lập hồ sơ đề nghị Nhà nước xem xét công nhận danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú không biết cách phải làm thế nào. Hiện tại, Sở VH-TT&DL Hà Nội chưa nhận được bất cứ hồ sơ nào từ các nghệ nhân. Thời gian tới, Sở sẽ lập hồ sơ mẫu và tập huấn cho cán bộ phòng văn hóa - thông tin các quận, huyện, thị xã, sau đó đội ngũ cán bộ này sẽ triển khai tới cơ sở. Do tính đặc thù, những nghệ nhân ca trù dù tuổi đời chưa cao nhưng có nhiều năm cống hiến, hoạt động nghệ thuật và giành được huy chương vàng trong các kỳ liên hoan sẽ được ưu tiên xem xét để nghệ nhân đỡ thiệt thòi", bà Phạm Thị Lan Anh cho hay.
Như vậy, Di sản ca trù ở Hà Nội dẫu chưa thoát khỏi tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp, nhưng so với giai đoạn trước, công chúng đã bắt đầu thấy những tín hiệu vui.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.