(HNM) - Sau những thành công đầy ý nghĩa của Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều, dư luận đang ngập tràn hy vọng về cuộc gặp lịch sử, dự kiến diễn ra tại Singapore vào ngày 12-6, giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
Tuy nhiên, triển vọng này đang trở nên mong manh khi Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) vừa phát đi một thông cáo đặc biệt tuyên bố, Bình Nhưỡng hủy một cuộc đối thoại cấp cao đã được sắp xếp với Seoul, đồng thời dọa rút khỏi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều nếu Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận.
Chiến đấu cơ cất cánh từ Sân bay Gwangju trong khuôn khổ cuộc tập trận “Thần sấm”. |
Theo cáo buộc của Triều Tiên, cuộc tập trận "Thần sấm" bắt đầu từ ngày 14-5 là một hành động diễn tập xâm lược miền Bắc, mang tính khiêu khích giữa lúc quan hệ liên Triều đang ấm lên. "Thần sấm" diễn ra tại căn cứ không quân Gwangju (phía Nam Hàn Quốc) với sự tham gia của hơn 100 máy bay các loại, bao gồm cả chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor. Theo Bình Nhưỡng, những cuộc tập trận như vậy không phù hợp với tinh thần của Tuyên bố chung Panmunjom về hòa bình, thịnh vượng và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.
Quyết định này không chỉ ảnh hưởng tới bầu không khí tích cực trên bán đảo Triều Tiên, mà còn có nguy cơ phủ bóng lên cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan tuyên bố nước này sẽ cân nhắc lại hội đàm Mỹ - Triều nếu Washington tiếp tục hối thúc Bình Nhưỡng đơn phương từ bỏ chương trình hạt nhân, trong đó bao gồm cả việc Triều Tiên phải chuyển một số đầu đạn hạt nhân, một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ra nước ngoài trong vòng 6 tháng. Đổi lại Washington sẽ đưa Bình Nhưỡng ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố.
Thường xuyên chịu sức ép từ Washington về một tiến trình phi hạt nhân hóa "hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng", sau cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều, Bình Nhưỡng đã có một số động thái tích cực, khởi đầu bằng thông báo đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Ngày 14-5, Triều Tiên đã san bằng các tòa nhà hỗ trợ hoạt động chính, dỡ đường ray dẫn vào hầm tại bãi thử nói trên, đồng thời khẳng định sẽ mời báo chí quốc tế đến dự lễ đóng cửa chính thức, dự kiến tổ chức trong khoảng thời gian từ 23 đến 25-5. Vì vậy, quyết định của chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un đang kéo mối hoài nghi trở lại.
Tuy nhiên, bất chấp tin tức từ truyền thông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ H.Nauert khẳng định, Washington chưa nhận được bất kỳ thông tin nào cho thấy Bình Nhưỡng sẽ rút khỏi cuộc gặp thượng đỉnh song phương. Thư ký báo chí Nhà Trắng S.Sanders cho biết, Mỹ sẽ xem xét kỹ tuyên bố của Bình Nhưỡng, đồng thời nhấn mạnh "vẫn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đồng minh".
Với những gì diễn ra gần đây, không chỉ Seoul mà cả Bình Nhưỡng cũng mong muốn tiến trình kiến tạo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ thuận lợi. Với Mỹ, Tổng thống D.Trump cũng rất quan tâm tới cuộc gặp với Chủ tịch Kim Jong-un bởi nếu thành công, đây là một trong những thành tựu quan trọng trong chính sách đối ngoại toàn cầu của ông. Việc giải quyết được bài toán khó Triều Tiên cũng giúp Mỹ phần nào giải tỏa được áp lực trong bối cảnh đang nhận vô số chỉ trích từ cộng đồng quốc tế do rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và chuyển đại sứ quán nước này tại Israel từ Tel Aviv tới Jerusalem.
Phát biểu tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao chiều 17-5 về cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ D.Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore vào ngày 12-6, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam ủng hộ các nỗ lực mang tính xây dựng, giải quyết mọi bất đồng, thông qua đối thoại hòa bình; đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, ổn định của bán đảo Triều Tiên nói riêng và thế giới nói chung”. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.