Đô thị

Giao đất dịch vụ ở Hà Đông: Người dân đợi 20 năm chưa được nhận đấtBài 2: Cần giải pháp đặc thù

Bạch Thanh - Ánh Dương 28/04/2024 13:13

Các phương án xét đất dịch vụ tại các phường trên địa bàn Hà Đông được triển khai theo hướng dẫn của cơ quan chức năng đối với các dự án thu hồi trước thời điểm hợp nhất tỉnh Hà Tây với Hà Nội và đã được sự đồng thuận cao từ nhân dân. Để giải quyết dứt điểm tồn tại, tiếp tục thực hiện chủ trương này là mong mỏi của cả người dân và chính quyền quận Hà Đông hiện nay.

Phương án từ lòng dân!

Về phương án giao đất dịch vụ cho các hộ dân trên địa bàn, công chức địa chính phường Dương Nội Đỗ Quang Hưng cho hay, theo Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27-1-2006 của Chính phủ, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp mới được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng phương thức giao đất dịch vụ, còn những hộ bị thu hồi dưới 30% sẽ không được hưởng chính sách này.

Thực tế, có những hộ gia đình nhiều thế hệ, đông nhân khẩu, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi nhiều, song xét tiêu chí theo Nghị định số 17/2006/NĐ-CP thì lại không được hưởng chính sách giao đất dịch vụ, trong khi những hộ ít nhân khẩu, diện tích thu hồi ít vẫn đáp ứng tiêu chí.

Ông Đỗ Lập Hồng, cán bộ có hơn 30 năm công tác tại Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Mai, là người tham gia trực tiếp vào quá trình giải phóng mặt bằng dự án, xét đất dịch vụ trên địa bàn cho biết: Thực hiện chỉ đạo của quận, khi UBND các phường xây dựng Đề án giao đất dịch vụ sẽ căn cứ quỹ đất và tình hình thực tế của phường, thống nhất trong Đảng ủy, HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường; sau đó lấy ý kiến nhân dân, niêm yết công khai phương án thực hiện rồi mới ban hành quyết định phê duyệt Đề án để tổ chức thực hiện.

Với cách tính không phân biệt thu hồi nhiều hơn hay ít hơn 30% tổng diện tích đất nông nghiệp được giao, các cá nhân, hộ gia đình đều được áp dụng chính sách hỗ trợ chuyển đổi việc làm bằng hình thức giao đất dịch vụ hoặc đất ở. Theo đó, đã có 100% nhân dân đồng thuận, giúp công tác phối hợp giải phóng mặt bằng của hợp tác xã, các hộ dân với các đơn vị, chủ đầu tư, cơ quan chức năng... được tiến hành rất thuận lợi, dù giai đoạn này, việc bồi thường hoa màu và các giá trị khác trên đất nông nghiệp rất thấp.

Về cơ sở xây dựng cách tính đất dịch vụ cho các hộ trên địa bàn quận Hà Đông, theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hà Đông Vũ Thị Ngọc Hiền, trên địa bàn quận có 13/17 phường được áp dụng chính sách hỗ trợ bằng hình thức giao đất dịch vụ đối với hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị thu hồi.

Các khu đất dịch vụ tại phường Yên Nghĩa sau khi được giao đất, nhiều hộ dân đã về sinh sống ổn định từ nhiều năm nay. Ảnh Sơn Tùng
Tại các khu đất dịch vụ thuộc phường Yên Nghĩa, sau khi được giao đất, nhiều hộ dân đã về sinh sống ổn định. Ảnh: Sơn Tùng

Để bảo đảm công bằng giữa các hộ bị thu hồi đất nông nghiệp (diện tích nhiều và ít), ngoài các văn bản quy phạm pháp luật, quận Hà Đông đã bám sát chỉ đạo của tỉnh Hà Tây (cũ) và thành phố Hà Nội để tổ chức thực hiện.

Theo đó, Ban Thường vụ Quận ủy Hà Đông, Thường trực Quận ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ quận Hà Đông các thời kỳ đã ban hành văn bản chỉ đạo công tác xét giao đất dịch vụ trên địa bàn theo nguyên tắc: Căn cứ để xác định diện tích đất dịch vụ (hoặc đất ở) là diện tích đất nông nghiệp được ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp (đối với trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận) hoặc diện tích giao ruộng thể hiện trong sổ theo dõi của các hợp tác xã (đối với trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận).

Các khu đất dịch vụ của Hà Đông đều bị xôi đỗ, chưa giao hết cho các hộ dân. Ảnh Sơn Tùng
Các khu đất dịch vụ của Hà Đông bị "xôi đỗ", chưa giao hết cho các hộ dân. Ảnh: Sơn Tùng.

Trên địa bàn quận Hà Đông hiện có 38 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ đã và đang triển khai xây dựng, tổng quỹ đất 1.132.157,8m2, trong đó, quỹ đất đã xong hạ tầng là 22.128 thửa, diện tích 1.132.157,8m2 . Trong khi đó, nhu cầu đề nghị xét giao đất dịch vụ trên địa bàn quận là 19.584 thửa, tương ứng 1.004.159,3m2 đất. Như vậy, quỹ đất dịch vụ để giao cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn quận bảo đảm đáp ứng đủ và cũng đã đủ điều kiện để có thể tổ chức giao đất ngay theo các đề án đã được phê duyệt.

Mong sớm được giao đất, ổn định đời sống

Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng Đặng Trần Đức cho biết, Kiến Hưng là một trong những phường giao đất dịch vụ cho các hộ dân theo Đề án xét duyệt của quận Hà Đông đạt tỷ lệ cao. Qua 5 lần giao đất, toàn phường đã giao 1.820 thửa (đáp ứng cho khoảng 80% số hộ). Với số hộ còn lại, phường bố trí đủ quỹ đất 7,29ha, tương đương 600 suất (mỗi suất 50m2). Hiện hạ tầng kỹ thuật các khu đất đã xong, dân mong chờ nhận đất từ lâu, do vậy, phường Kiến Hưng mong muốn cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, giao nốt đất cho số hộ còn lại.

dat-dich-vu-phu-luong.jpg
Khu đất dịch vụ phường Phú Lãm được đầu tư đồng bộ, các hộ dân đã nhận đất, đầu tư xây dựng, kinh doanh hiệu quả. Ảnh: Phường Phú Lãm.

Phó Chủ tịch UBND phường Yên Nghĩa Nguyễn Đình Chuyên cho rằng, để bảo đảm sự ổn định cho người dân, thống nhất trong cách làm, UBND phường kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm chấp thuận cho địa phương tiếp tục thực hiện công tác giao đất dịch vụ theo phương án đã được duyệt; có chính sách tháo gỡ đối với phần diện tích nhỏ lẻ dưới 5m2/hộ để thuận lợi cho các hộ khi làm hồ sơ ghép thửa cũng như cho công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp người dân làm mất, thất lạc hoặc không nhận được quyết định thu hồi đất theo các đề án, thì thành phố cần có hướng dẫn, hỗ trợ về hồ sơ pháp lý để các hộ sớm được giải quyết quyền lợi.

Tính đến nay, toàn quận Hà Đông đã xét duyệt được 26.477 trường hợp, tương ứng 18.281 thửa đất (đạt tỷ lệ 93,38% theo nhu cầu); UBND quận đã ban hành quyết định giao đất cho 18.839 trường hợp, tương ứng 13.707 thửa đất (đạt 69,99% số thửa đất phải giao).

Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, việc xét duyệt, giao đất dịch vụ cho các hộ dân trên địa bàn bị chậm do phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra... Qua 6 năm, việc kiểm tra, rà soát thực hiện chính sách giao đất dịch vụ tại quận Hà Đông chưa kết thúc dẫn đến các hộ phải chờ đợi.

"Nhân dân trên địa bàn quận Hà Đông mong cơ quan chức năng có giải pháp đặc thù, hướng dẫn giải quyết việc giao đất đến các hộ dân đã được xét duyệt", Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà bày tỏ.

Theo Công văn số 451/UBND-BTCD ngày 19-2-2024 của UBND thành phố về việc rà soát, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã - nơi tồn tại việc giao đất dịch vụ, cần xây dựng kế hoạch chi tiết để giao đất dịch vụ cho các hộ dân, báo cáo Ban Thường vụ Quận ủy, Huyện ủy, Thị ủy để được lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, bảo đảm cơ bản hoàn thành giao đất dịch vụ cho người dân trước ngày 30-9-2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giao đất dịch vụ ở Hà Đông: Người dân đợi 20 năm chưa được nhận đất Bài 2: Cần giải pháp đặc thù

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.