Ngày 23-4, lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Mizuiku toàn cầu 2024 lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam đã được Suntory PepsiCo Việt Nam tổ chức tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Hà Nội.
Đây là lần đầu tiên Hội nghị Thượng đỉnh Mizuiku toàn cầu được tổ chức tại Việt Nam và bên ngoài Nhật Bản. Sự kiện diễn ra trong 3 ngày, từ 23 đến 25-4-2024, nhằm kỷ niệm 20 năm chương trình Mizuiku được triển khai trên toàn cầu và 10 năm “Mizuiku - Em yêu nước sạch” có mặt tại Việt Nam.
Nói về cột mốc 20 năm phát triển của chương trình, ông Masaaki Fujiwara - Tổng Giám đốc phụ trách Phát triển bền vững, Tập đoàn Suntory cho biết: “Hai mươi năm trước, chúng tôi khởi xướng chương trình “Mizuiku” - sáng kiến giáo dục giúp nâng cao ý thức tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước cho học sinh tiểu học. Đây là một minh chứng cho cam kết và sự cống hiến không ngừng nghỉ của chúng tôi cho sự bền vững của nguồn nước. Tập đoàn Suntory mong muốn chương trình này sẽ trở thành một sáng kiến giáo dục được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thông qua các sáng kiến như Mizuiku, chúng tôi hy vọng sẽ giúp trẻ em tiếp cận nước sạch bền vững trong hiện tại và tương lai, nuôi dưỡng ý thức bảo vệ môi trường và nguồn nước quý giá của chúng ta”.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên được Suntory mở rộng dự án bên ngoài Nhật Bản vào năm 2015 với tên gọi “Mizuiku - Em yêu nước sạch”. Với triết lý “Phát triển nước bền vững", chương trình “Mizuiku - Em yêu nước sạch” được triển khai với hai mục tiêu chính là giáo dục nâng cao nhận thức của học sinh tiểu học về bảo vệ nguồn nước và hỗ trợ cơ sở vật chất nhằm nâng cao cơ hội tiếp cận với nước sạch cho trẻ em và cộng đồng.
Chương trình được thiết kế toàn diện với hoạt động bên trong và cả bên ngoài trường học, nhằm khơi gợi sự sáng tạo và suy nghĩ của các em thông qua cách giáo dục chủ động, nuôi dưỡng tình yêu và ý thức bảo vệ thiên nhiên cho thế hệ tương lai qua hoạt động trải nghiệm rừng tại các vườn quốc gia.
Sau gần một thập kỷ, “Mizuiku - Em yêu nước sạch” đã được triển khai tại 24 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, giáo dục hơn 400.000 học sinh cấp tiểu học về tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước, tăng cường tiếp cận nước sạch cho hàng triệu học sinh và thầy cô thông qua cải tạo 151 cơ sở vật chất, gồm công trình nước sạch và nhà vệ sinh trường học. Năm 2023 đánh dấu một bước tiến quan trọng của chương trình khi chính thức hợp tác chiến lược với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tài liệu của chương trình “Hướng dẫn tổ chức dạy và học về tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước đối với cấp tiểu học” đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam thẩm định, phê duyệt và đưa vào chương trình giảng dạy cho cấp tiểu học trên toàn quốc.
Nói về sự hợp tác này, PGS.TS Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ thêm: “Trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình hành động nhằm kết nối nguồn lực xây dựng môi trường học đường đạt chuẩn vệ sinh học đường để hỗ trợ, giáo dục trẻ em, học sinh về bảo vệ nguồn nước sạch. Trong đó, chương trình "Mizuiku - Em yêu nước sạch" là một trong những mô hình tiêu biểu về thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Nhà nước và doanh nghiệp vì mục tiêu chung, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, môi trường, xã hội và thế hệ trẻ Việt Nam. Năm 2023 là năm đầu tiên hợp tác triển khai chương trình, bước đầu ghi nhận những kết quả rất ấn tượng”.
Bên cạnh các hoạt động xuyên suốt 3 ngày của hội nghị, ngày 23-4-2024 cũng là buổi công bố trao giải thưởng cuộc thi ảnh với chủ đề “Nước" và “Trẻ em" và khai mạc triển lãm tranh ảnh “Bảo tồn nguồn nước, nuôi dưỡng tương lai" do Suntory Pepsico Việt Nam tổ chức, được bảo trợ bởi Đại sứ quán Nhật Bản.
Cuộc thi truyền tải thông điệp về tầm quan trọng của nước và nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, được phát động từ tháng 12-2023, thu hút hàng trăm bài dự thi trong vòng 3 tháng.
Triển lãm ảnh “Bảo tồn nguồn nước, nuôi dưỡng tương lai" sẽ mở cửa cho công chúng tham quan miễn phí từ ngày 23-4 đến 2-5-2024 tại Đại sứ quán Nhật Bản số 27, phường Liễu Giai, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.