Sức khỏe

Đi du lịch dịp nghỉ lễ những ngày nắng nóng cần lưu ý gì?

Thu Trang 28/04/2024 - 13:06

10 năm qua, chưa có năm nào cả 3 miền cùng xảy ra nắng nóng trong thời gian nghỉ lễ 30-4, 1-5 như năm nay. Do đó, khi đi du lịch, người dân cần có những biện pháp bảo vệ sức khỏe.

Những vấn đề sức khỏe nguy hiểm khi trời nắng nóng

Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đã phát đi cảnh báo một số vấn đề sức khỏe thường gặp vào mùa nắng nóng và hướng dẫn cách bảo vệ sức khoẻ trong những ngày nắng nóng.

du-lich-ngay-nang-nong.jpg
Khi đi du lịch vào những ngày nắng nóng cần chủ động các biện pháp bảo vệ sức khoẻ. Ảnh: Thu Trang

Theo đó, biểu hiện của các vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa nắng nóng phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với nắng nóng, mức độ tăng thân nhiệt của cơ thể.

Thứ nhất, biểu hiện các vấn đề sức khoẻ ở mức độ nhẹ như: Mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút.

Thứ hai, mức độ nặng sẽ có các biểu hiện: Đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch (tim đập nhanh, huyết áp tụt…) và có thể tử vong.

Khi gặp vấn đề sức khỏe do nắng nóng, theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), tùy theo mức độ biểu hiện mà cần nhanh chóng áp dụng những biện pháp xử trí phù hợp. Cụ thể:

Ở mức độ nhẹ: Chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió. Tiếp đến, nới lỏng quần áo hoặc cởi bỏ bớt quần áo bên ngoài của nạn nhân. Sau đó, lau cơ thể nạn nhân bằng khăn mát hoặc có thể dội nước mát vào cơ thể nạn nhân rồi lau khô. Đặt khăn thấm nước mát hoặc nước đá tại các vị trí như vùng nách, vùng bẹn, hai bên cổ để giúp nhanh chóng giảm nhiệt độ cơ thể.

Nếu nạn nhân uống được nước, cho uống từng ngụm nhỏ nước mát. Tốt nhất là uống nước có bổ sung muối và khoáng chất như nước Oresol pha đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng.

Nếu nạn nhân bị chuột rút, cần xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bị chuột rút. Lưu ý không để cho nhiều người vây quanh nạn nhân. Sau khoảng 10 - 15 phút các biểu hiện sẽ giảm dần.

Ở mức độ nặng: Nếu nạn nhân có các biểu hiện ở mức độ nặng, cần gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý trong quá trình vận chuyển thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.

Do đó, để có thể tận hưởng kỳ nghỉ thật thoải mái, bảo vệ được sức khoẻ trước thời tiết nắng nóng như hiện nay, các chuyên gia y tế khuyến cáo, mọi người nên mặc quần áo rộng, thoáng mát, sáng màu; uống đủ nước; bôi kem chống nắng, đội mũ rộng vành khi ra ngoài; tránh đồ uống có cồn và chất caffeine; tránh các món gia vị cay; mang theo các thuốc thiết yếu như: Hạ sốt, đau đầu, dung dịch bù nước, điện giải, men tiêu hóa...

Cẩn thận với những món ăn “độc, lạ”

Ở các khu du lịch, nhất là ở vùng biển, lượng khách tăng đột biến trong dịp nghỉ lễ sẽ khiến cho nhiều hàng quán không còn khả năng bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm như ngày thường.

kiem-tra-attp-tai-khach-san.jpg
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra một khách sạn trên địa bàn. Ảnh: Thu Trang

Theo Tiến sĩ - bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, vi khuẩn phát triển mạnh nhất trong môi trường có nhiệt độ từ 32 đến 43 độ C và khiến cho thức ăn dễ ôi thiu hơn nếu không được bảo quản cẩn thận. Thêm vào đó, quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách cũng góp phần dẫn đến tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Do đó, nắng nóng là cơ hội để cho các vi khuẩn xâm nhập, làm hỏng thực phẩm nhanh. Vì vậy, các chuyên gia lưu ý, khi đi du lịch, dã ngoại hay ăn uống tại gia đình trong dịp nghỉ lễ nên cố gắng ăn càng sớm càng tốt các thực phẩm vừa chế biến. Đặc biệt, nên chọn những loại thực phẩm khi biết rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Riêng với những đối tượng như: Người bệnh mãn tính, người cao tuổi và trẻ nhỏ cần ăn uống điều độ, hợp vệ sinh, đủ dinh dưỡng, dễ tiêu, uống đủ nước. Nên hạn chế những món ăn sống, tái hay các đồ ăn lạ, tránh lạm dụng rượu bia và các chất kích thích.

Ngoài ra, khi đi du lịch, đi chơi xa cần tránh những thức ăn trước đó bản thân bị dị ứng vì khi bị sẽ khó cấp cứu kịp thời. Đồng thời, tránh ăn một số thức ăn “độc, lạ”, đặc sản vùng miền có nguy cơ gây dị ứng hoặc dẫn đến rối loạn tiêu hóa, nôn, tiêu chảy…

Cục Quản lý môi trường y tế khuyến cáo, hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10h-16h.

Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời.

Mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi. Tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hằng ngày.

Đặc biệt cần uống tối thiếu 1,5-2 lít nước/ngày. Nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần. Rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết nắng nóng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đi du lịch dịp nghỉ lễ những ngày nắng nóng cần lưu ý gì?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.