Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện triệt để, quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng

Phong Thu| 25/04/2015 21:35

(HNMO) - Chiều 25-4, tại trụ sở Trung ương Đảng, Thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về Phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã họp phiên thứ 7 nhằm đánh giá tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) quý I,



Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, trong quý I-2015, công tác PCTN tiếp tục được triển khai tích cực trên một số mặt: Tuyên truyền, giáo dục về PCTN; thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là cải cách hành chính; phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong PCTN; phát hiện, xử lý tham nhũng… Ban Chỉ đạo tiếp tục quan tâm kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN; tập trung chỉ đạo, đôn đốc công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp và thu hồi tài sản tham nhũng. Qua công tác thanh tra đã phát hiện 7 vụ, 9 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng với số tiền 27,5 tỷ đồng. Trong qúy I, cơ quan điều tra đã khởi tố 38 vụ án/88 vụ can; Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 77 vụ án/184 bị can; Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 49 vụ án/97 bị cao. Nhiều nội dung công tác PCTN theo kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ 6 và cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo được triển khai thực hiện nghiên túc, đúng chỉ đạo và kế hoạch đề ra. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, việc thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian qua đạt hiệu quả rất thấp. Năm 2013, tỉ lệ số tiền, tài sản tham nhũng được thu hồi chỉ đạt chưa đến 10%. Năm 2014 cũng chỉ đạt trên 22%. Tỷ lệ này cho thấy việc xử lý tham nhũng chưa triệt để, không đạt được hiệu quả, mục tiêu PCTN mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định quý I-2015 Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN tiếp tục chỉ đạo triển khai khá toàn diện, đồng bộ các hoạt động về PCTN. Qua đó, đã phát hiện ra một số lĩnh vực cần phải tập trung, những khâu khó khăn cần tháo gỡ. Điển hình như phát hiện lĩnh vực ngân hàng, lĩnh vực đất đai, quản lý nhà nước còn xuất hiện một số trường hợp tham nhũng khá nặng nề; hay khâu điều tra tương đối chậm, giám định tư pháp chậm; khâu xử án chậm, chưa đủ nghiêm… Thời gian qua, Ban Chỉ đạo đã thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc, không chỉ kiểm tra các vụ án mà cả kiểm tra công tác PCTN… cho thấy đã làm ráo riết, quyết liệt và có hiệu quả cụ thể. “Tiếc là thông tin chưa đầy đủ, tuyên truyền chưa đủ mức nên có cảm giác hình như chưa làm được gì nhiều” – Tổng Bí thư nói.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhìn chung đến nay các việc, các khâu đều chậm. Đặc biệt là hiện nay, vấn đề đang bị kêu ca nhiều là việc phổ biến tình trạng “tham nhũng vặt”. Lâu nay vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức nên sắp tới cần tập trung quan tâm.

Nhấn mạnh rằng hiện các nội dung của công tác PCTN đã hiện đã bài bản, có chương trình, có kế hoạch công tác, đã xác định được khâu trọng tâm, trọng điểm, có cơ chế phối hợp và đã xác định được phương pháp làm việc, Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định, vấn đề cần tập trung bây giờ là thực hiện và thực hiện triệt để, quyết liệt hơn nữa. Điều này đòi hỏi sự cố gắng toàn diện của tất cả các cơ quan, đơn vị. Riêng Ban Chỉ đạo phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc hơn nữa việc tổ chức thực hiện. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Muốn làm quyết liệt hơn nữa thì cần có quyết tâm rất lớn và ý thức trách nhiệm rất cao. Ban Chỉ đạo phải tăng cường kiểm tra đôn đốc, thường xuyên trao đổi thông tin để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc; tăng cường làm việc với các địa phương; tập trung vào các vụ án trọng tâm, các vụ việc phức tạp. Nhất là kết luận thanh tra thường chậm và gửi sang cơ quan điều tra chậm nên cần làm nhanh hơn. Bên cạnh đó, khâu điều tra vẫn chậm, giám định tư pháp vẫn chậm; khâu truy tố vẫn chậm; xét xử cũng còn chậm; khâu thu hồi tài sản còn ít… nên sắp tới cần tập trung quyết liệt hơn, làm nhanh hơn, tránh để lâu dẫn đến tình trạng “chìm xuồng”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị Ban Chỉ đạo bổ sung thêm nghiên cứu đề xuất giải pháp giải quyết việc “tham nhũng vặt”. Thường trực BCĐ và các thành viên BCĐ làm việc thường xuyên hơn; tăng cường kiểm tra các cơ quan chức năng, các cấp ủy đảng ở địa phương; tổ chức kiểm tra lại việc thực hiện kết luận lần trước. Bên cạnh đó, phải thời khen thưởng tập thể, cá nhân làm tốt và xử lý, kỷ luật những cá nhân, tập thể làm sai, cũng như làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao hiệu quả công tác PCTN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện triệt để, quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.