Dù đã cảnh báo nhiều nhưng thời gian gần đây, các bệnh viện vẫn liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, suy gan, ngộ độc… do sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Với quan niệm, thuốc nam, thuốc đông y là lành tính nên không ít người đã mách bảo nhau tự bốc thuốc chữa bệnh. Hậu quả là rơi vào tình trạng bệnh không hết mà còn thêm biến chứng nặng nề.
Hệ lụy khi dùng thuốc nam bừa bãi
Cách đây 3 tháng, một bệnh nhi (3 tuổi, ở tỉnh Thanh Hóa) được cha mẹ cho dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc để chữa bệnh động kinh. Sau khi dùng thuốc nam một thời gian, tình trạng co giật của trẻ có giảm nhưng khoảng 1 tháng nay, trẻ có biểu hiện rối loạn hành vi, khóc buồn vô cớ, hay kêu đau đầu… Được đưa đến Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái, sau khi tiến hành làm các xét nghiệm, kết quả cho thấy, bệnh nhi bị ngộ độc chì rất nặng. Nồng độ chì trong máu trên 100 µg/dL, trong khi ngưỡng được chấp nhận là dưới 10µg/dL.
Từ trường hợp nêu trên, Tiến sĩ - bác sĩ Đào Hữu Nam, Trưởng khoa Điều trị tích cực (Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, ngộ độc chì vô cùng nguy hiểm. Khi xâm nhập vào cơ thể, kim loại này có thể gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, tim mạch, huyết học, dạ dày, đường ruột, thận… Thậm chí, phải mất hàng chục năm mới có thể thải được chì ra ngoài cơ thể.
Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) hằng năm đều tiếp nhận không ít bệnh nhân ngộ độc thuốc nam. Đơn cử như trường hợp của nam bệnh nhân 63 tuổi (ở thành phố Hà Nội) phải nhập viện trong tình trạng ngộ độc nặng sau khi dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc để chữa bệnh đái tháo đường. Xét nghiệm viên thuốc mà bệnh nhân uống, các bác sĩ tìm thấy thành phần thuốc là phenformin - một loại thuốc chữa đái tháo đường cũ, vì độc tính rất cao, gây tử vong nên thế giới đã thu hồi và cấm sử dụng từ những năm 1970.
Ngoài các trường hợp bị ngộ độc, mới đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương tiếp nhận hai bệnh nhân bị suy gan cũng do uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Trường hợp thứ nhất là ông T.N.T (64 tuổi, ở tỉnh Hưng Yên) uống thuốc nam 10 ngày để điều trị sỏi túi mật. Hậu quả là bệnh nhân bị viêm gan nhiễm độc. Trường hợp thứ hai là ông N.N.D (64 tuổi, ở tỉnh Bắc Giang) uống thuốc nam để điều trị viêm gan B. Tuy nhiên, một tháng trở lại đây, ông D. xuất hiện tình trạng mệt mỏi, chán ăn, tiểu ít, có màu vàng sẫm, đại tiện phân táo. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương trong tình trạng da và mắt vàng đậm, được chẩn đoán bị suy gan cấp, xơ gan...
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) phân tích, suy gan có nghĩa là các chức năng của gan đã bị suy giảm. Khi các chức năng của gan bị suy thì cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Nếu suy gan quá nặng, tiên lượng tử vong có thể lên đến từ 50% đến 70%.
Không dùng thuốc không rõ nguồn gốc
Việt Nam có nguồn dược liệu dồi dào, với nhiều bài thuốc gia truyền quý báu, có giá trị trong điều trị bệnh. Do vậy, nhiều người đã lựa chọn sử dụng thuốc nam, thuốc đông y vì cho rằng lành tính, ít tác dụng phụ. Lợi dụng tâm lý này, trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại thuốc nam, thuốc đông y không rõ nguồn gốc, không được kiểm nghiệm chất lượng, không được cấp phép nhưng lại được bán tràn lan, nhất là trên mạng xã hội.
Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần tỉnh táo khi lựa chọn phương pháp điều trị, cảnh giác và tránh xa những lời quảng cáo, chào mời mua các loại sản phẩm thuốc nam, thuốc y học cổ truyền, các thực phẩm chức năng không bảo đảm về nguồn gốc, không có các thông tin đầy đủ, rõ ràng về giấy phép được cấp bởi Bộ Y tế. Khi nghi bị ngộ độc hoặc phản ứng bất lợi do sử dụng thuốc nam, thuốc đông y thì cần mang sản phẩm đến cùng người bệnh để bệnh viện xét nghiệm và có các biện pháp điều trị thích hợp cũng như ngăn chặn tình trạng ngộ độc tiếp tục xảy ra với cộng đồng.
Để tránh “tiền mất, tật mang”, bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền cũng lưu ý, người dân khi uống bất kỳ một thứ thuốc gì đều phải tìm hiểu rõ nguồn gốc, không được uống thuốc hoặc các chế phẩm khi không biết rõ về nguồn gốc. Nếu chẳng may đã uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc mà có biểu hiện mệt mỏi, khó chịu, tiểu vàng… thì phải đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
“Đối với trẻ em, cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc nam và các loại thuốc không rõ nguồn gốc khi không có chỉ định của bác sĩ. Riêng với trẻ mắc bệnh động kinh nói riêng và các bệnh mạn tính nói chung, cha mẹ cần phải tuân thủ hướng dẫn điều trị, dùng thuốc và tái khám theo lịch hẹn, không được tự ý ngừng thuốc, trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ…”, bác sĩ Đào Hữu Nam khuyến cáo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.