Lao động - Việc làm

An toàn, vệ sinh lao động tại các làng nghề Hà Nội:Để chủ cơ sở, người lao động chú trọng hơn

Thu Hằng 04/05/2024 - 07:36

Hà Nội hiện có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống thuộc 24 quận, huyện, thị xã được công nhận. Hoạt động của các làng nghề góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.

Song, do mức độ quan tâm cũng như ý thức chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động của chủ sử dụng lao động và người lao động còn hạn chế nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn...

an-toan.jpg
Nhiều lao động làm nghề cơ kim khí tại xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) chưa thực hiện nghiêm các quy định về an toàn, vệ sinh lao động như không sử dụng mũ và quần áo bảo hộ lao động.

Còn nhiều vi phạm

Tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới tại một số làng nghề cho thấy, đa số người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất chưa sử dụng đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động (giày, quần áo, mũ…) khi làm việc.

Tại làng nghề cơ kim khí Vĩnh Lộc, xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất), còn nhiều lao động đang làm việc trong các cơ sở sản xuất thuộc Cụm công nghiệp làng nghề Phùng Xá cũng như các xưởng sản xuất trên địa bàn xã chưa thực hiện nghiêm quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Công nhân Nguyễn Văn Tuấn đang làm việc tại một cơ sở sản xuất thép hình trong Cụm công nghiệp làng nghề Phùng Xá cho biết, tất cả lao động trong cơ sở đều được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, nhưng đa phần lao động chỉ sử dụng găng tay, đi giày, còn quần áo bảo hộ lao động và mũ hầu như không ai dùng.

Tại xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai), nơi có 5 thôn (Gia Vĩnh, Rùa Hạ, Rùa Thượng, Từ Am, Dụ Tiền) làm nghề cơ khí, nhiều lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong khu dân cư vẫn thờ ơ với các quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Tình trạng công nhân không sử dụng phương tiện bảo hộ lao động diễn ra phổ biến. Trong khi đó, không gian làm việc của các xưởng sản xuất đều chật chội, thiếu ánh sáng...

Tương tự, tại một số làng nghề sản xuất đồ mộc ở các xã: Hiền Giang, Vạn Điểm (huyện Thường Tín); Chàng Sơn, Canh Nậu, Hữu Bằng (huyện Thạch Thất)…, ý thức chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động hạn chế. Đa số lao động không sử dụng đầy đủ các thiết bị, phương tiện bảo hộ cá nhân nên nguy cơ tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong năm 2023, toàn thành phố đã xảy ra gần 300 vụ tai nạn lao động. Riêng tại huyện Thạch Thất, năm qua đã xảy ra 7 vụ tai nạn lao động, làm 6 người bị thương (mất ngón chân, ngón tay), 1 người tử vong, trong đó tập trung ở các làng nghề thuộc xã Canh Nậu và xã Phùng Xá. Còn huyện Thanh Oai cũng xảy ra 4 vụ tai nạn lao động khiến 3 người tử vong, 1 người bị thương tập trung ở các làng nghề xã Thanh Thùy, xã Cao Dương.

Đẩy mạnh tuyên truyền, siết chặt quản lý

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mất an toàn, vệ sinh lao động là do người sử dụng lao động chưa chú trọng tuyên truyền, huấn luyện cho người lao động về an toàn, vệ sinh lao động, hoặc tổ chức đối phó (cắt xén thời gian, nội dung); không trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị bảo hộ lao động cho người lao động; không dành kinh phí thỏa đáng để cải thiện điều kiện và môi trường làm việc. Trong khi đó, người lao động còn thờ ơ, chưa chấp hành nghiêm các quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động từ huyện đến xã chủ yếu là kiêm nhiệm nên quá trình triển khai thực hiện công tác này còn gặp khó khăn.

Giảm thiểu số vụ tai nạn lao động xảy ra tại các làng nghề nói riêng và trên địa bàn thành phố nói chung là mục tiêu các cấp, ngành, địa phương đặt ra hằng năm. Để thực hiện mục tiêu này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho rằng, cùng với việc tổ chức tốt Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 và những năm tiếp theo, huyện Thanh Oai sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về công tác an toàn, vệ sinh lao động tới chủ sử dụng lao động, người lao động trên địa bàn, nhất là tại các làng nghề giúp họ hiểu sâu hơn về sự cần thiết phải thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động, từ đó tự giác chấp hành.

Còn Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Thạch Thất Kiều Đức Nhã cho biết, huyện sẽ tăng cường kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ gia đình có sử dụng máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về công tác an toàn, vệ sinh lao động; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, qua đó nhằm ngăn chặn những tai nạn và hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Dưới góc độ chính quyền cơ sở, Chủ tịch UBND xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) Nguyễn Thế Toàn chia sẻ, UBND xã sẽ chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn chú trọng cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động. Đồng thời, xã tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không chấp hành.

Hy vọng, các giải pháp nêu trên sẽ được triển khai đồng bộ ở các địa phương, góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn, bảo vệ sức khỏe của người lao động ở các làng nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An toàn, vệ sinh lao động tại các làng nghề Hà Nội: Để chủ cơ sở, người lao động chú trọng hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.