Việc giữ nguyên cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 so với các năm trước giúp học sinh yên tâm ôn tập, sẵn sàng trong chặng nước rút. Tuy nhiên, các thầy cô lưu ý, các em cần lưu tâm một số vấn đề để có thể đạt điểm số tốt nhất.
Thông tin về cấu trúc và đề minh họa 3 môn (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố chiều qua (2-5) đang thu hút sự quan tâm đặc biệt. Đây là năm cuối cùng thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, việc giữ nguyên cấu trúc đề thi so với các năm trước phần nào giúp học sinh ổn định về tâm lý, yên tâm ôn tập.
Cấu trúc đề không có xáo trộn
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 sẽ diễn ra trong hai ngày 8, 9-6 với khoảng 133.000 học sinh dự thi, nhiều hơn khoảng 4.000 em so với năm trước. Với chỉ tiêu hơn 60% số học sinh vào trường công lập, kỳ thi dự báo có tính cạnh tranh cao.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, việc công bố cấu trúc định dạng đề thi là điểm mới của kỳ thi vào lớp 10 năm nay nhằm định hướng tốt hơn cho học sinh trong quá trình ôn tập cũng như chủ động về tâm thế. Đây cũng là căn cứ để giáo viên hỗ trợ tốt nhất cho học sinh trong quá trình ôn tập từ nay tới kỳ thi. Với hội đồng ra đề của ngành, cấu trúc định dạng đề thi sẽ giúp cho các thành viên bám sát quy định về cấu trúc định dạng do Sở ban hành, từ đó xây dựng đề thi chính thức phù hợp, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi.
Sáng 3-5, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại nhiều trường trung học cơ sở, thông tin về cấu trúc định dạng và đề minh họa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được giáo viên phổ biến đến học sinh cùng những hướng dẫn ban đầu.
Cô giáo Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) cho biết: Việc giữ ổn định cấu trúc đề thi như vậy giúp cô và trò yên tâm ôn tập theo kế hoạch; mối lo cấu trúc đề thi có sự điều chỉnh cũng giảm.
Em Nguyễn Mai Anh, học sinh Trường Trung học cơ sở Trưng Vương (huyện Mê Linh) chia sẻ: “Đề minh họa cũng như sự chỉ dẫn, định hướng giúp chúng em tự tin, chủ động hơn trong ôn tập. Em sẽ làm thử đề minh họa và nhờ giáo viên nhận xét, đánh giá, chấm điểm, từ đó biết rõ hơn năng lực và những vấn đề cần điều chỉnh để xây dựng cho mình lộ trình học tập nhằm đạt kết quả cao nhất".
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026 là kỳ thi đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm khác biệt so với chương trình hiện hành. Vì thế, giáo viên nhiều trường bày tỏ mong muốn Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nghiên cứu, xây dựng và công bố cấu trúc định dạng và đề minh họa kỳ thi này để các trường có định hình rõ hơn trong việc tổ chức dạy học từ thời điểm này, giúp học sinh chuẩn bị kỹ hơn cho kỳ thi.
Học sinh cần lưu ý gì?
Theo nhận định chung của giáo viên, đề thi minh họa do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa công bố giữ nguyên cấu trúc, hình thức và số lượng câu hỏi như các năm trước, tuy nhiên học sinh không nên chủ quan mà cần lưu tâm đến một số vấn đề để có thể đạt điểm số tốt nhất.
Cụ thể, với môn ngữ văn, theo cô giáo Vương Thúy Hằng, Hệ thống giáo dục HOCMAI, phần II của đề với yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 400 chữ bàn về sự kiên định trong cuộc sống - có độ mở hơn so với đề năm 2023. Học sinh được phép nêu quan điểm của mình và sử dụng lý lẽ để làm rõ. Đây là bước khởi đầu cho sự thay đổi ở đề thi vào lớp 10 ở Hà Nội với mục tiêu bám sát định hướng đánh giá năng lực thay cho khả năng ghi nhớ kiến thức. Đây là lưu ý quan trọng mà học sinh cần quan tâm trong quá trình ôn tập.
Giáo viên môn ngoại ngữ lưu ý học sinh đừng chỉ tập trung học ở chương trình lớp 9, bởi dù phạm vi kiến thức chủ yếu nằm ở lớp 9, nhưng cũng có nội dung nằm rải rác ở các lớp thuộc cấp trung học cơ sở. Đề thi có khoảng 30% số câu hỏi ở mức độ vận dụng, vận dụng cao. Để làm tốt phần này, học sinh lưu ý ôn tập các dạng câu hỏi ngữ pháp, câu hỏi ở dạng bài điền từ, đọc hiểu và viết.
Với môn toán, cấu trúc định dạng đề thi có khoảng 75% số câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, khoảng 25% số câu hỏi ở mức độ vận dụng, vận dụng cao. Để đạt điểm cao, học sinh không chỉ cần ghi nhớ kiến thức mà còn cần có kỹ năng tổng hợp, vận dụng kiến thức. Lời khuyên của giáo viên với học sinh thời điểm này là cần chú trọng rèn luyện khả năng trình bày, bảo đảm không bị mất điểm ở các câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, tránh các lỗi sai thông thường (thiếu điều kiện, tính toán sai, vẽ hình sai...).
Với một kỳ thi có tính cạnh tranh cao như kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội, học sinh cần tập trung ôn luyện để biết cách giải quyết các câu hỏi ở mức độ vận dụng, vận dụng cao. Học sinh cũng nên dành thời gian tìm kiếm để tập làm quen với các dạng câu hỏi lạ xuất hiện trong các kỳ thi thử của các trường, các quận, huyện, tránh bị bỡ ngỡ khi gặp dạng bài lạ trong đề thi chính thức.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khuyến cáo thầy, cô giáo tránh coi đề minh họa là kim chỉ nam, là thước đo cho dạy, học, kiểm tra. Điều này sẽ khiến việc dạy - học trở nên rập khuôn, máy móc, mất tính chủ động, sáng tạo của học sinh và làm sai lệnh quan điểm, mục tiêu của chương trình. Các nhà trường cần tăng cường cho học sinh rèn kỹ năng vận dụng, sáng tạo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.