Trong nhiều tháng qua, các nhà hòa giải quốc tế dẫn đầu là Ai Cập nỗ lực làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Israel và Hamas nhằm chấm dứt chiến tranh ở Gaza.
Điều này xảy ra trong bối cảnh Cairo lo ngại một cuộc tấn công toàn diện của Israel vào Rafah có thể dẫn đến dòng người tị nạn ồ ạt qua biên giới nước này, tạo gánh nặng cho nền kinh tế đang gặp khó khăn và có thể đặt ra những thách thức an ninh cho quốc gia Bắc Phi này.
Hơn 1 triệu người tị nạn Palestine đã tìm nơi ẩn náu cuối cùng ở Rafah, thành phố phía Nam của Gaza, giáp biên giới Ai Cập, nơi họ đang lo lắng trước kế hoạch tấn công trên bộ của Israel nhằm vào các cứ điểm của Hamas. Một cuộc tấn công như vậy có thể khiến hàng chục nghìn người Palestine tiến về lãnh thổ Ai Cập. Cộng đồng quốc tế đã phản đối cuộc tấn công theo kế hoạch của Israel vì lo ngại số lượng lớn thương vong dân sự.
Mặc dù, Cairo thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của người Palestine, nhưng việc gánh vác trách nhiệm tiếp đón những người tị nạn từ Gaza chứa đựng nhiều tác động về an ninh và chi phí kinh tế, đặt nước này vào một tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Khác với việc tiếp nhận người tị nạn từ Sudan, Yemen và Syria, Chính phủ Ai Cập tỏ ra thận trọng với người Palestine, vì lo ngại điều này sẽ phá hủy khả năng hình thành một nhà nước Palestine độc lập trong tương lai. Tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Cairo vào tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi nêu rõ: “Ai Cập tái khẳng định và kịch liệt phản đối việc cưỡng bức di dời người Palestine và chuyển họ đến Sinai. Một kế hoạch như vậy sẽ phá vỡ giấc mơ về một nhà nước Palestine độc lập và lãng phí cuộc đấu tranh của người dân Palestine cũng như của các dân tộc Ả Rập và Hồi giáo trong quá trình thực hiện chính nghĩa của người Palestine đã tồn tại được 75 năm”.
Nếu người Palestine đang sống ở Rafah bị cưỡng bức di dời bởi một cuộc tấn công quân sự của Israel, Ai Cập sẽ phải chịu gánh nặng của một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn, vào thời điểm đất nước đang phải đối mặt với vấn đề nền kinh tế gặp khó khăn. Mặc dù hồi đầu năm nay Cairo đã nhận được khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất từ Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), với tổng trị giá khoảng 35 tỷ USD, nhưng các chuyên gia cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế ở quốc gia này còn lâu mới kết thúc, với nợ công vào năm 2023 lên tới hơn 90% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và đồng nội tệ giảm 38% so với đồng USD.
Không chỉ những hậu quả kinh tế của làn sóng người Palestine tràn vào mới khiến giới chức Ai Cập lo lắng. Trong số hàng chục nghìn người tị nạn này có thể bao gồm một số lượng lớn các thành viên Hamas, những đối tượng được cho là sẽ tiếp tục hỗ trợ Tổ chức Anh em Hồi giáo - tổ chức đã kiểm soát Ai Cập trong một thời gian ngắn dưới thời Tổng thống Mohamed Morsi vào năm 2012-2013. Mối liên hệ ý thức hệ chặt chẽ giữa Hamas và Tổ chức Anh em Hồi giáo được thể hiện qua việc chia sẻ cùng một tầm nhìn và mục tiêu chung là xây dựng một chế độ Hồi giáo cứng rắn và chống lại Israel.
Kể từ khi ông Mohamed Morsi bị buộc phải từ bỏ quyền lực, Ai Cập đã trở thành mục tiêu của các nhóm Hồi giáo và những nhóm này đã tiến hành các cuộc tấn công vào căn cứ quân sự của Ai Cập ở bán đảo Sinai. Chính phủ lo ngại rằng, các nhóm Hồi giáo có thể tuyển mộ những người tị nạn Palestine. Bất kỳ sự di dời nào của người Palestine tới lãnh thổ Ai Cập sẽ không chỉ là tái định cư mà còn đóng vai trò căn cứ kháng chiến chống lại Israel.
Truyền thông Mỹ đưa tin, trong các cuộc thảo luận gần đây, Ai Cập đã thể hiện quyết tâm gây áp lực buộc lực lượng Hamas phải đạt được thỏa thuận thả con tin. Trước rất ít lựa chọn, hành động duy nhất của Cairo để ngăn chặn chiến dịch Rafah là thúc đẩy thỏa thuận này, nhằm ngăn chặn hoặc trì hoãn cuộc tấn công càng lâu càng tốt. Đồng thời, quốc gia Bắc Phi này đang chuẩn bị các kế hoạch dự phòng, chẳng hạn như cung cấp các khu lều trại được giám sát, tăng cường an ninh địa phương và bảo đảm kiểm soát hoàn toàn các lối vào và lối ra phía Bắc Sinai (Ai Cập). Cùng thời điểm, tờ báo Al-Shorouk của Ai Cập đăng thông cáo rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào Rafah sẽ vi phạm hiệp ước hòa bình Israel - Ai Cập và nhận được phản ứng quyết đoán từ Cairo.
Rõ ràng, Ai Cập coi kế hoạch tấn công Rafah của Israel là cơn ác mộng đối với an ninh và sự ổn định của nước này. Tình hình sẽ càng trở nên khó khăn hơn nếu Sinai trở thành bệ phóng cho các hoạt động chống lại Israel. Tất cả những yếu tố đó đang gia tăng áp lực lên Cairo cùng nỗ lực thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Gaza.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.