(HNM) - Như tin đã đưa, công trình đập thủy điện Sepien Senamnoi đang được xây dựng tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, phía Đông Nam Lào bất ngờ bị vỡ vào tối 23-7. Sự cố này đang được các cơ quan chức năng của Lào khẩn trương khắc phục.
Chưa có thống kê thiệt hại chính thức
Sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi đã gây lũ quét cục bộ tại 6 ngôi làng thuộc huyện Sanamxay, khiến hàng trăm người thiệt mạng và mất tích, khoảng 6.600 người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Đến trưa ngày 25-7, các cơ quan chức năng của Lào vẫn chưa đưa ra con số thống kê chính thức về những thiệt hại của vụ vỡ đập. Trước đó, giới chức địa phương xác nhận, có 26 thi thể đã được tìm thấy, 131 người mất tích và hơn 1.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng trong sự cố này.
Công tác cứu hộ người dân được chính quyền các địa phương của Lào gấp rút thực hiện. |
Công trình thủy điện Sepien Senamnoi là dự án hợp tác trị giá 1,2 tỷ USD giữa Công ty Xây dựng và thiết kế SK Hàn Quốc, Công ty Điện lực Đông Hàn Quốc, Công ty General Holding của Thái Lan và một công ty điện lực của Lào. Công trình có công suất 410MW, gồm 2 đập chính và 5 đập phụ, khởi công năm 2013 và dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Theo thiết kế, sức chứa của hồ là 5 tỷ mét khối nước. Con đập bị vỡ là một phần của dự án thủy điện Sepien Senamnoi. Ngày 22-7, các công nhân đã phát hiện đập thủy điện gặp vấn đề và công tác sửa chữa được thực hiện ngay sau đó, tuy nhiên mưa lớn đã cản trở việc này. Sáng 23-7, một trong hai đập chính của dự án buộc phải xả lũ để giảm áp lực đối với đập Sepien Senamnoi. Người dân Lào sinh sống tại khu vực hạ lưu đập thủy điện đã nhận được thông báo yêu cầu sơ tán vài giờ trước khi xảy ra sự cố vỡ đập.
Công ty Điện lực Ratchaburi, một trong 3 nhà đầu tư vào dự án đập thủy điện Sepien Senamnoi đã lên tiếng tiết lộ nguyên nhân gây vỡ đập. Theo đó, những cơn mưa lớn bất thường kéo dài trong nhiều ngày đã khiến mực nước dâng cao, vượt quá sức chứa của công trình. Tại hiện trường, các lực lượng chức năng của Lào vẫn đang tích cực tìm kiếm người mất tích và cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân.
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, thăm hỏi, động viên người dân. Chính phủ Lào đã quyết định xuất ngân sách 1,2 tỷ kip (hơn 142.000 USD) để giúp người dân bước đầu khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập và công bố huyện Sanamxay là vùng thiên tai khẩn cấp. Đến nay, mặc dù nước đang rút nhưng còn nhiều điểm ngập nặng, lực lượng cứu hộ vẫn phải sử dụng thuyền và trực thăng. Con đường độc đạo dẫn vào huyện Sanamxay bị chia cắt hoàn toàn do mực nước ở các con suối còn ở mức cao, gây khó khăn cho công tác cứu hộ.
Bộ đội Việt Nam tham gia cứu hộ
Liên quan tới khả năng người Việt bị ảnh hưởng bởi sự cố, sáng 25-7, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cho biết, có 15 hộ gia đình người Việt nằm trong vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đập thủy điện nói trên, tuy nhiên, hiện chưa có bất cứ thông tin gì về 15 hộ gia đình này. Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đang tiếp tục liên lạc với các đơn vị chức năng của Lào để nắm bắt thông tin và tiến hành công tác bảo hộ công dân. Về 26 công nhân của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai bị cô lập tại huyện Paksong, tỉnh Champasak do ảnh hưởng của vụ vỡ đập thủy điện, đơn vị này đã ký hợp đồng với Công ty Dịch vụ bay của Lào, thuê trực thăng đưa 26 công nhân ra khỏi vùng bị cô lập.
Trong khi đó, ngay sau khi nhận được thông tin vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi, Bộ Tư lệnh Quân khu V đã chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Hữu nghị Nam Lào thuộc Quân khu V cử 10 cán bộ, y, bác sĩ và hàng trăm cán bộ, nhân viên tham gia khắc phục hậu quả; ủng hộ 260 triệu đồng Việt Nam để mua vật chất cứu trợ ban đầu; chỉ đạo Đội K53 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum) đang làm nhiệm vụ tại Lào đến hiện trường phối hợp với các lực lượng của bạn để tổ chức tìm kiếm người mất tích và giúp nhân dân khắc phục những thiệt hại ban đầu. Đồng thời, Quân khu V chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật chất, sẵn sàng cơ động khi có lệnh của Bộ để phối hợp với lực lượng của bạn khắc phục hậu quả.
Chiều 25-7, tại thủ đô Viêng Chăn, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng đã đến Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào trao số tiền khoảng 2.200 USD hỗ trợ người dân Lào; đại diện Tổng hội, Hội Người Việt Nam tại thủ đô Viêng Chăn cũng đến trao số tiền 50 triệu kíp Lào (khoảng 5.950 USD); ông Cao Anh Sơn, Tổng Giám đốc Star Telecom trao số tiền 300 triệu kíp Lào (35.700 USD) cho Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào để hỗ trợ người dân Lào bị ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đập thủy điện.
Vỡ đập không ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long
Chiều 25-7, bên lề cuộc họp của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai họp khẩn cấp bàn biện pháp ứng phó các đợt mưa lũ dự báo xảy ra trong những ngày tới, Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết, nhận được thông tin vỡ đập nhà máy thủy điện ở tỉnh Attapeu của nước bạn Lào, Tổng cục đã phối hợp với các cơ quan khoa học tính toán các tác động của sự cố này đối với Việt Nam. Dự báo, khoảng ngày 27 hoặc 28-7, nước hồ thủy điện của Lào mới có thể chảy tới các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Khi đó, mực nước tại Tân Châu (An Giang) có thể tăng từ 7 đến 10cm so với điều kiện tự nhiên. Như vậy, sự cố vỡ đập nhà máy thủy điện ở tỉnh Attapeu của Lào sẽ không ảnh hưởng lớn đến diễn biến lũ tại Việt Nam.
Sáng 25-7, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã cử lực lượng và phương tiện sang hỗ trợ nước bạn ứng phó sự cố thiên tai. Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết, đơn vị cũng đã sẵn sàng cử cán bộ kỹ thuật để hỗ trợ nước bạn khắc phục hậu quả sự cố này.
Trong khi đó, thông báo từ Ủy hội sông Mê Kông ngày 25-7 cho biết, sau khi phân tích dữ liệu các trạm quan trắc của Ủy hội trên sông Mê Kông, sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi không gây ảnh hưởng tới Việt Nam.
Được tin đập thủy điện Sepien Senamnoi của Lào bị vỡ vào tối 23-7, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở những vùng bị ảnh hưởng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gửi điện thăm hỏi tới Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào Pany Yathotou. BNG - Nguyên Hoa |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.