Góc nhìn

Nhiệm vụ không có điểm dừng

Quỳnh Anh 27/04/2024 - 06:16

Kết luận phiên họp lần thứ tám của Ủy ban quốc gia Về chuyển đổi số (diễn ra ngày 24-4 vừa qua), Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Về chuyển đổi số nhấn mạnh: “Phát triển kinh tế số là đòi hỏi khách quan, yêu cầu bắt buộc trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, phù hợp xu thế phát triển hiện nay. Phát triển kinh tế số là một quá trình liên tục, bền bỉ, không ngừng nghỉ, không có điểm dừng”.

Trong thông điệp đưa ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ vai trò, tầm quan trọng của phát triển kinh tế số và chỉ đạo các bộ, ban, ngành, địa phương phát triển kinh tế số một cách tổng thể, toàn diện, ưu tiên chất lượng hơn số lượng.

Vậy kinh tế số là gì? Hiểu một cách đơn giản, kinh tế số là nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch tiến hành thông qua mạng internet. Kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistics, tài chính ngân hàng…) mà công nghệ số được áp dụng.

Hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, vì vậy, phát triển kinh tế số không chỉ là xu hướng phổ biến, mà là yêu cầu tất yếu, khách quan đối với mỗi quốc gia và trong mọi lĩnh vực bởi nó đem lại rất nhiều lợi ích. Cụ thể như: Giảm chi phí, tăng năng suất lao động; tăng khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ hiện đại cho khách hàng; tăng khả năng tiếp cận thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác để nâng cao năng lực cạnh tranh...

Thời gian qua, nước ta đã có nhiều nỗ lực, hành động thiết thực phát triển kinh tế số. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định phát triển kinh tế số là trụ cột, nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia và đề ra mục tiêu vào năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tăng lên 30% vào năm 2030. Cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế số. Nhờ đó, kinh tế số có những bước phát triển nhanh chóng. Báo cáo của Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số cho thấy, hiện có hơn 80% hộ gia đình sử dụng cáp quang internet băng rộng; 100% xã, phường, thị trấn kết nối internet cáp quang; di động băng rộng 4G được phủ sóng tới 99,8% dân số với chất lượng ổn định. Đáng chú ý, tỷ trọng kinh tế số/GDP năm 2021 và 2022 lần lượt đạt 11,91% và 14,26%; năm 2023 con số này ước đạt 16,5% với tốc độ tăng 20%, gấp 3 lần tăng trưởng GDP. Trong quý I-2024, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin đạt gần 36,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đạt 31 tỷ USD, tăng 17%...

Hòa cùng xu thế phát triển của các quốc gia trên thế giới, nước ta đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số và gặt hái những thành công nhất định. Tuy nhiên, từ yêu cầu thực tiễn đã đặt ra một số vấn đề còn tồn tại, đòi hỏi nước ta cần có sự quyết tâm cũng như những giải pháp hữu ích hơn để khai phóng nguồn lực, kiến tạo hạ tầng phát triển kinh tế số.

Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định rõ: Phát triển kinh tế số giúp người dân giàu có hơn, góp phần đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.

Hiện thực hóa tầm nhìn này, các ban, bộ, ngành, địa phương cần bám sát tình hình thực tế, quán triệt, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát triển kinh tế số thực chất, hiệu quả. Kinh tế số phải dựa trên đổi mới sáng tạo, tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực; phải thực hiện quản trị số, đào tạo nhân lực, kết hợp đồng bộ, hiệu quả phát triển hạ tầng, dịch vụ, dữ liệu số với thể chế số và bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin. Đặc biệt, phát triển kinh tế số phải là một quá trình liên tục, bền bỉ, không ngừng nghỉ, không có điểm dừng như người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo.

Phát triển kinh tế số sẽ góp phần giúp nước ta có cơ hội rút ngắn khoảng cách phát triển so với thế giới. Do đó, cần huy động sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân. Muốn vậy, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phát triển kinh tế số cần được đẩy mạnh. Làm sao để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích, từ đó tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà kinh tế số mang lại...

Phát triển kinh tế số là sự chọn lựa tất yếu đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Với nước ta, đây là đòi hỏi khách quan, yêu cầu bắt buộc, đồng thời là nhiệm vụ không có điểm dừng, góp phần đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiệm vụ không có điểm dừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.