(HNM) - Sau hai ngày nhóm họp với chương trình nghị sự dày đặc, Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã kết thúc bằng việc thông qua Tuyên bố chung thể hiện sự đồng thuận trong nhiều lĩnh vực vốn được cho là gai góc.
Trong bối cảnh tồn tại bất đồng giữa nhiều quốc gia liên quan tới cách tiếp cận về các cơ hội và thách thức mang tính toàn cầu, việc đạt được thống nhất cho thấy nỗ lực chia sẻ trách nhiệm và đoàn kết trong khác biệt của nhóm G20.
Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Argentina. |
Điểm nhấn trong nội dung Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G20 là việc coi thương mại quốc tế, đầu tư như một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới, tạo việc làm và phát triển, đồng thời thừa nhận sự đóng góp của hệ thống thương mại đa phương để thực hiện mục tiêu này.
Cho rằng hệ thống hiện nay chưa thực hiện tốt vai trò của mình, các nhà lãnh đạo G20 bày tỏ ủng hộ cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động.
Liên quan tới biến đổi khí hậu, các nhà lãnh đạo G20 đã lưu ý về báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc về tác động từ sự nóng lên của Trái đất, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng chống lại các diễn biến thời tiết khắc nghiệt.
Tuyên bố chung nêu rõ, mặc dù vẫn kiên quyết rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, song Chính phủ Mỹ khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với tăng trưởng kinh tế và năng lượng thông qua việc sử dụng tất cả các nguồn năng lượng, công nghệ, cũng như bảo vệ môi trường.
Bên cạnh những kết quả tích cực được đưa ra trong Tuyên bố chung, nhiều "nút thắt" căng thẳng đã tìm được hướng tháo gỡ thông qua các cuộc tiếp xúc song phương bên lề hội nghị. Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Trung Quốc đã kết thúc trong tiếng vỗ tay khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí sẽ ngừng áp dụng các mức thuế mới sau ngày 1-1-2019.
Còn tại cuộc gặp Thượng đỉnh Nga - Nhật Bản, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhất trí thúc đẩy hiệp ước hòa bình sau những tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ.
Bất ngờ nhất là cuộc gặp chớp nhoáng giữa Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Mỹ D.Trump. Dù nội dung chi tiết cuộc gặp không được tiết lộ, song đây cũng được coi là tín hiệu tích cực khi căng thẳng giữa hai nước gia tăng liên quan tới vụ va chạm hải quân mới đây giữa Nga và Ukraine tại eo biển Kerch.
Ngoài ra, những thỏa thuận hợp tác đạt được giữa nhiều quốc gia như Nhật Bản - Pháp, Argentina - Mỹ, Argentina - Ấn Độ... đã góp phần giúp Hội nghị Thượng đỉnh G20 thành công trên mức kỳ vọng.
Cách đây một thập niên, vào tháng 11-2008, giữa “vực thẳm” của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, nguyên thủ các nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới đã gặp nhau như những đối tác bình đẳng, bằng chứng hùng hồn nhất của chủ nghĩa đa phương.
Với các thành viên đại diện cho 2/3 dân số thế giới, tạo ra 85% GDP toàn cầu, chiếm 75% thương mại quốc tế, G20 từng được coi như một hình mẫu hợp tác và phối hợp giữa các nền kinh tế cùng đối phó với những thách thức chung.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, biến động chính trị, kinh tế và xã hội trên toàn cầu cũng như ở mỗi nước đã gây ra những nghi ngờ về các cơ chế đa phương, kể cả G20.
Song, với những thỏa thuận đã đạt được tại hội nghị lần này, lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã cho thấy tinh thần sẵn sàng điều chỉnh những khác biệt vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, đúng như phát biểu bế mạc của Tổng thống nước chủ nhà Argentina Mauricio Macri: "G20 là phải chứng minh được rằng những thách thức toàn cầu chỉ có thể được giải quyết bằng những giải pháp toàn cầu".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.