(HNM) - Thiết thực kỷ niệm 65 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ngày 25-4, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa tổ chức triển lãm chuyên đề “Dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan triển lãm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Triển lãm trưng bày trên 300 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu, thể hiện quyết tâm, khí thế sục sôi “tất cả cho Điện Biên, tất cả để chiến thắng” của nhân dân cả nước. Quyết tâm ấy trở thành sức mạnh biến những người dân đầu trần, chân đất, tay không vũ khí trở thành lực lượng dân công hỏa tuyến, đội hình phục vụ đắc lực cho chiến dịch, góp phần quan trọng trong chiến thắng huyền thoại “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Với 3 phần nội dung giới thiệu, gồm: Dốc sức cho Điện Biên, Điện Biên - Điểm hẹn quyết chiến, quyết thắng và Âm vang còn mãi, Triển lãm mang đến cho công chúng và du khách nhiều hình ảnh, tư liệu đắt giá, những hiện vật sinh động về một thời hoa lửa. Đó là: Xe đạp thồ, gùi gỗ, súng tiểu liên, súng trường… sử dụng trong thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ.
Triển lãm góp phần tri ân những chiến công, sự hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến, là thông điệp gửi tới các thế hệ Việt Nam, động viên, khích lệ phát huy truyền thống, ra sức học tập, cống hiến cho đất nước.
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 30-5 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
* Cùng ngày, tại thành phố Điện Biên Phủ, Bộ Quốc phòng phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên tổ chức hội thảo khoa học "Chiến thắng Điện Biên Phủ - giá trị lịch sử và hiện thực".
Ban tổ chức đã nhận được 80 tham luận. Các tham luận đã phân tích, luận giải đầy đủ, toàn diện mọi mặt của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; khẳng định chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn, tầm nhìn xa trông rộng, tài thao lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự sáng tạo trong nghệ thuật chọn hướng và thời cơ tiến hành chiến dịch quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.
Các tham luận cũng tập trung phân tích quá trình hình thành, phát triển liên minh chiến đấu giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào phản đối chiến tranh của nhân dân Pháp ở Việt Nam và Đông Dương, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nhiều tham luận cũng khẳng định và làm rõ tầm vóc, nguyên nhân, ý nghĩa lịch sử, những bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Điện Biên Phủ, sự vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm đó vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Đây là cơ sở để đấu tranh chống các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trong tình hình mới. Hội thảo cũng nhằm nâng cao niềm tự hào, tự tôn dân tộc; củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vào sự nghiệp đổi mới đất nước...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.