(HNMCT) - Nhu cầu hưởng thụ cũng như sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của nghệ thuật công cộng ở Hà Nội những năm gần đây đang đặt ra cho Thành phố nhiều vấn đề trong quy hoạch phát triển các không gian công cộng.
Xung quanh nội dung này, Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng), người có nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này.
- Thưa bà, một trong những thước đo của một thành phố sống tốt và sáng tạo là chất lượng của không gian công cộng (KGCC). Bà đánh giá như thế nào về các KGCC ở Hà Nội hiện nay?
- Với một thành phố đô thị hóa mạnh mẽ như Hà Nội thì nhu cầu có các KGCC ngày càng bức thiết. Có nhiều nơi không có KGCC hoặc là số người có khoảng cách tiếp cận đến KGCC từ dưới 500m là rất ít.
Một mặt, chúng ta đang thiếu trầm trọng không gian, nhưng mặt khác chúng ta đang rất lãng phí không gian. Có rất nhiều không gian trống đang “chết" - tức là bị bỏ hoang, là không có tiếp cận, thường trở thành nơi đổ rác hoặc lui tới của những đối tượng xã hội phức tạp. Chúng ta có thể tận dụng những không gian đó. Nơi đất đai càng quý hiếm thì mọi mét vuông đất đều cần được phát huy hết giá trị của nó. Chẳng hạn một mảnh đất nằm trong quy hoạch “treo” trước mắt có thể biến thành sân chơi cho cộng đồng xung quanh đó. Tôi nghĩ nghệ thuật có thể là một con đường để "cứu rỗi" các KGCC chăng?
Một vấn đề rất bức bối hiện nay nữa là không có quy định về quyền và nghĩa vụ của người dân trong KGCC để điều tiết những cuộc “tranh chấp không gian” giữa các nhóm xã hội mong muốn sử dụng không gian: Nhóm bán hàng tranh chấp với nhóm người chơi; trong nhóm người chơi cũng có nhiều nhóm độ tuổi khác nhau... Những tranh chấp và va chạm như vậy diễn ra ở mọi nơi khiến ý nghĩa và chất lượng KGCC bị giảm sút trầm trọng. Đây là một khoảng trống về pháp luật. Ngoài ra, KGCC còn phải được trang bị các tiện nghi tối thiểu như nhà vệ sinh công cộng, chỗ rửa tay chân, chỗ nghỉ chân, nơi có mái che - bóng mát... Chưa đảm bảo được cái tối thiểu đó thì chưa thể nói nhiều đến vấn đề nghệ thuật được.
- KGCC là môi trường sống của nghệ thuật công cộng. Vậy không gian đó phải đảm bảo được những điều kiện gì để nghệ thuật công cộng có thể phát triển và phát huy được hết những giá trị của nó, thưa bà?
- Theo tôi, nghệ thuật công cộng không phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện vật lý của không gian. Nghệ thuật phụ thuộc nhiều vào sự sáng tạo của người nghệ sĩ và sự tiếp nhận của cộng đồng. Nghệ thuật cũng vô cùng đa dạng về loại hình, thể loại: Nó có thể là tượng, điêu khắc, bích họa, vẽ graffiti, hay các loại hình thể hiện, thể nghiệm khác nhau. Ví dụ như có dự án sử dụng công nghệ để biểu đạt nghệ thuật bằng hiện thực ảo trong KGCC, mọi người có thể chiêm ngưỡng tác phẩm thông qua ứng dụng trên smartphone. Vì vậy, nói “KGCC là môi trường sống của nghệ thuật công cộng” cũng đúng và cũng có thể nói “nghệ thuật có thể giúp hồi sinh các KGCC”.
Nhưng để làm được điều đó thì chúng ta phải tạo điều kiện cho nghệ thuật có thể được ra đời và tồn tại ở không gian đó. Trong các chính sách công của chúng ta hiện nay, dường như nghệ thuật chưa được chú trọng đúng mức... Ở khía cạnh này, rất cần sự ủng hộ của chính quyền và người dân, cần sự cởi mở hơn với nghệ thuật, tạo điều kiện tài chính và sự thông thoáng cho nghệ sĩ, cộng đồng có thể cùng tham gia với các nghệ sĩ và gìn giữ các tác phẩm nghệ thuật công cộng.
- Như bà vừa chia sẻ, chúng ta chưa có nguyên lý thiết kế chung cho các KGCC dân sự. Như vậy liệu có thể đưa ra những quy chuẩn cho nghệ thuật công cộng ở đó được không, thưa bà?
- Nghệ thuật là sáng tạo, tôi không nghĩ là có thể đưa ra “quy chuẩn” cho nghệ thuật, nhưng nên có những tiêu chí cơ bản để xem xét và đánh giá tác phẩm nghệ thuật công cộng có được hiệu ứng tích cực hay tiêu cực gì cho công chúng hay không, để giúp các nhà quản lý có thể lựa chọn tác phẩm nghệ thuật công cộng tốt phục vụ xã hội, đồng thời cũng giúp xã hội có một cơ sở nhận thức tốt khi tiếp nhận, đánh giá các tác phẩm nghệ thuật.
Trên thực tế việc đặt một tác phẩm vào KGCC là một bài toán vừa đơn giản, vừa phức tạp. Vấn đề nghệ thuật ở đây không chỉ được quyết định bởi nghệ sĩ, mà còn có cả bởi số đông công chúng. Với nghệ sĩ, về mặt nguyên tắc, khi đưa một tác phẩm nghệ thuật đến một KGCC, anh ta phải tìm hiểu về tính duy nhất của không gian nơi đây trên các khía cạnh như: Cảnh quan vật lý, lịch sử, đặc thù xã hội tại nơi đó, tính “nơi chốn” của địa điểm - nó như một phép “may đo” cho không gian về cả “hình” lẫn “nghĩa”.
Có những KGCC vô cùng thách thức nghệ thuật như không gian quanh hồ Hoàn Kiếm. Đây vừa là không gian với nhiều lớp lang lịch sử, vừa là không gian văn hóa chính hiện nay, bản thân nó quá đẹp, hình ảnh của nó được bồi sâu trong tâm thức của tất cả mọi người nên bất cứ can thiệp nào vào đây đều chịu rất nhiều áp lực của sự soi xét. Áp lực vô hình này cũng làm cho chính những nhà quản lý dè dặt và khó khăn hơn khi kiểm duyệt các vật thể kiến trúc hay nghệ thuật khi đặt vào đây. Chúng ta thường hay nói “sáng tạo ở khu vực hồ Hoàn Kiếm rất nhạy cảm”. “Vâng, đúng vậy, nhạy cảm vì mọi người đều yêu nó, nhìn vào nó, theo sát nó”. Tuy nhiên, nhạy cảm không có nghĩa là không làm gì cả. Nơi này vẫn cần được duy trì là nơi dành cho công chúng những gì tinh hoa nhất.
- Một vấn đề nữa cần nhắc tới của nghệ thuật công cộng đó là công chúng. Vấn đề công chúng cần phải được đặt ra như thế nào khi chúng ta xây dựng các nguyên lý thiết kế KGCC nói chung và các tiêu chí liên quan tới nghệ thuật công cộng nói riêng, thưa bà?
- Ví dụ thế này, cách đây mấy năm có dự án làm những bông hoa khổng lồ ở đài phun nước tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục khu vực hồ Hoàn Kiếm nhưng sau đó bị dư luận phản ứng dữ dội và phải tháo dỡ ngay. Điều này cho thấy cộng đồng không hề thờ ơ hay thụ động trong cảm xúc và cảm nhận nghệ thuật. Không phải bất cứ cái gì đặt vào KGCC cũng được chấp nhận. Người dân đã có ý thức và tiếng nói của mình trong việc đòi hỏi một cái gì đó phải chất lượng cho những không gian mà họ quan tâm, yêu mến. Trình độ nhận thức ngày càng cao và đa dạng của công chúng sẽ là thách thức với nghệ sĩ và những người giám tuyển.
Trước hết, các nghệ sĩ tham gia nghệ thuật công cộng phải rất giỏi chuyên môn để có thể đưa ra cho công chúng những tác phẩm có giá trị nghệ thuật: Không chỉ đẹp, phù hợp, mà còn có chiều sâu văn hóa, có khả năng thức tỉnh, thay đổi nhận thức, và nâng cao trình độ cảm thụ văn hóa nghệ thuật của công chúng. Và quan trọng hơn, khi làm nghệ thuật cùng cộng đồng, người nghệ sĩ sẽ phải bước ra khỏi “tháp ngà” nghệ thuật, khỏi “cái tôi” nghệ thuật của mình để thực hành quá trình tương tác với các bên liên quan: Cộng đồng, cơ quan quản lý, nhà tài trợ... và chứng kiến sự chuyển hóa của tác phẩm trong một quá trình liên tục. Nó là một đối thoại nghệ thuật với hình thức đa dạng để đi đến sự đồng cảm về nghệ thuật, từ đó chính cộng đồng sẽ là người tôn vinh, bảo vệ tác phẩm đó.
- Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.