Văn hóa

Tháng Tư năm ấy

Phùng Phương Quý 27/04/2024 - 07:23

Tôi đọc đi đọc lại cánh thư nhỏ viết bằng mực tím. Mấy dòng hò hẹn làm con tim tôi muốn nhảy ra ngoài: "Chủ nhật cố gắng lên chỗ Th nhé! Rồi mình cùng đi chụp ảnh kỷ niệm".

a14.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Tôi không thể hình dung dáng vóc cô bạn thân thiết giờ ra sao. Nhưng chắc mái tóc Thuyết vẫn đen dài như bốn năm trước. Được chụp ảnh với con gái Hà Nội là một mơ ước không tưởng của một thanh niên nhà quê như tôi. Vậy mà ngày mai tôi sẽ có cơ hội ấy. Thuyết nói ở gần cơ quan có một hiệu ảnh chụp đẹp lắm. Cứ nghĩ tới lúc được đứng cùng bạn gái trước tấm phông vẽ cảnh hồ Gươm là đã run cả người. Tôi mới được đơn vị cho đi học lớp bồi dưỡng văn hóa nghệ thuật của Cục Chính trị, tổ chức tại thị xã Hà Đông. Từ đây lên Ngã Tư Sở chỉ vài cây số. Mai là ngày chủ nhật, tôi đã gãi đầu gãi tai, dúi cho anh Thường tiếp phẩm hai bao Tam Đảo để mượn chiếc xe đạp Phượng Hoàng khoảng hai tiếng đồng hồ.

***
Sáu năm trước, Thuyết và gia đình theo cơ quan mẹ đi sơ tán trên quê tôi. Chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ làm đảo lộn cuộc sống và công việc người thành phố, trong đó có việc đi sơ tán để tránh bom đạn. Chúng tôi học cùng lớp và rất thân nhau. Hai năm sau, tình hình yên ổn nên Thuyết lại theo gia đình về Hà Nội.
Sau bốn năm xa cách, chỉ liên hệ bằng thư từ, nay tôi có cơ hội gặp lại Thuyết. Mong ước của tôi đã được toại nguyện. Thuyết nắm tay tôi, kéo vào phòng khách của cơ quan. Cứ như thế, hai đứa ngồi cạnh nhau, tay phải này xiết chặt tay phải kia, không chịu buông ra, luôn miệng nhắc chuyện cũ, nói tới chuyện mới, chẳng thấy khát nước. So với bốn năm trước, Thuyết đã trổ mã thành một thiếu nữ xinh đẹp, có phần hơi béo. Tất cả đều thay đổi, kể cả mái tóc dài đen cũng bị cắt tém ngang vai cho gọn gàng. Thuyết bây giờ đã là nhân viên của trường điện ảnh, còn tôi là anh lính biên phòng cao lớn. Cả hai đều đã mười chín tuổi.
- Học xong ở lại làm rể Hà Nội đi!
- Không được đâu! Còn phải về đơn vị, xem cấp trên phân công công tác như thế nào. Với lại trai Phú Thọ vụng lắm...
- Thôi đi! Cứ quê thế này, khối cô Hà Nội xin chết đấy!
- Chả dám! Lấy vợ quê cho lành. Không về nhanh bọn bạn gái đi lấy chồng hết! Cái Tĩnh lớp trưởng lấy chồng rồi đấy!
Bàn tay tôi bị giật giật mấy cái liền:
- Khiếp! Mới mười chín tuổi mà chồng con gì hở trời?
Chúng tôi ngồi trên chiếc ghế gỗ dài trong phòng khách. Thuyết cứ nắm chặt tay tôi, không chịu buông ra. Hai bàn tay nắm vào nhau đến gần tiếng đồng hồ, tê dại. Thuyết chuyển chủ đề:
- Cậu đã đọc xong cuốn "Những linh hồn chết" chưa?
Tôi gãi đầu, thú nhận:
- Chưa! Mình toàn đọc “Tây du ký” với “Tam quốc diễn nghĩa” thôi.
Hồi còn cùng học, Thuyết có tặng tôi cuốn tiểu thuyết “Những linh hồn chết" của Gogol, bắt đọc cho hết, nhưng tôi không đọc nổi loại sách này.
- Đi lính có vất vả lắm không?
- Bình thường! Được cái ăn no! Trai nhà quê thiếu ăn từ nhỏ, vào bộ đội một năm mình tăng mười cân.
Thuyết nói học kém, không tốt nghiệp nổi lớp mười nên ông bố xin cho học trường trung cấp, xong về đánh máy cho trường điện ảnh.
- Công ăn việc làm ổn định. Chỉ chờ lấy chồng nữa là xong.
Điệu cười của cô bạn béo vô tư, xởi lởi, khoe hàng răng cửa hơi thưa.
- Bây giờ đi chụp ảnh nhé? Chụp chung một tấm, phóng to, tô màu làm kỷ niệm. Đừng lo! Mình có ối tiền.
Thuyết hỏi tôi có thích mặc thường phục, để vào mượn các chú chiếc áo sơ mi. Tôi lắc đầu, mặc quân phục cho khỏe khoắn. Với lại đôi quân hàm xanh lá cây đẹp thế này, tôi cũng vừa được phong hạ sĩ, muốn chụp tấm ảnh gửi về nhà khoe bố mẹ và các em. Mãi tới lúc này, bàn tay tôi mới được "giải thoát", cảm thấy ê ẩm cả cánh tay. Vừa líu ríu dẫn nhau ra đến cổng cơ quan, bỗng tiếng còi báo động rú lên lanh lảnh. Một giọng nữ bình tĩnh hướng dẫn:
- Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch hiện cách Hà Nội năm mươi cây số về hướng đông bắc. Đồng bào khẩn trương tìm nơi trú ẩn!
Tôi đứng chống nạnh, hướng mắt lên trời theo dõi. Chẳng thấy động tĩnh gì. Các cô chú trong cơ quan đã chạy ra trước sân. Ở đó có mấy chiếc hầm cá nhân được đúc bằng bê tông như ống cống chôn nửa chìm nửa nổi, bên trên có nắp đậy.
- Hai đứa xuống hầm đi! Không chủ quan được đâu!
Tôi nói cứng:
- Máy bay còn cách mấy chục cây số, chưa có gì ạ!
Một cô trung niên nhô đầu lên quát:
- Máy bay phản lực nó xẹt một cái là tới bây giờ!
Bỗng có tiếng “bục”, “bục”, xung quanh đất rung chuyển, cửa kính tầng hai ngôi nhà vỡ loảng xoảng. Chưa kịp hiểu chuyện gì thì tiếng máy bay như xé vải ngay trên đầu. Tụi Mỹ ném bom rồi. Tôi kéo Thuyết nhảy bừa xuống chiếc hầm gần nhất, rồi lấy hai tay đẩy chiếc nắp bê tông, che kín lại.
- Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay Mỹ đang đánh vào thành phố! Hãy ngồi im trong hầm trú ẩn!
Những tiếng ùng ục ngày càng nhiều lên, ánh chớp kèm những trận rung mạnh như động đất. Tôi cảm thấy khó thở. Bây giờ tôi mới phát hiện Thuyết ngồi trong lòng tôi. Vì hầm chật quá, nên khi cô nàng nhảy xuống thì liền ngồi luôn trên hai đùi tôi. Có tiếng ì ì vọng trên bầu trời. Nguy hiểm quá, hình như là tiếng máy bay B52. Lát sau tiếng bom nổ uỳnh uỳnh phía xa, sau này chúng tôi mới biết chúng đánh phá phía kho xăng Đức Giang. Lại một đợt nổ gần, ngôi nhà hai tầng lắc lư muốn sập xuống. Thuyết ôm chặt cổ tôi, miệng thì thầm:
- Chúng mình hôn nhau đi!
Tôi giật mình. Từ nhỏ tới giờ có biết hôn hít gì đâu. Thấy tôi lắc đầu, Thuyết kiên quyết:
- Hôn đi! Không thì muộn đấy!
Tôi ngộp thở vì đôi môi con gái khô nóng dính chặt vào môi mình. Một dòng điện chạy giần giật từ đầu xuống chân làm tôi tê dại, phải ôm chặt lấy Thuyết. Nụ hôn thật là kỳ lạ, nó làm hai đứa quên cả tiếng bom nổ, tiếng tường nhà, cửa kính đổ vỡ loảng xoảng xung quanh. Tất cả cứ ù ù như thứ âm thanh ma quái. Bỗng nắp hầm được kéo ra, ánh nắng rực rỡ ùa vào. Tiếng mấy cô chú lao xao, lo lắng:
- Hai đứa có sao không? Ôi giời ơi! Khéo sợ quá ngất đi rồi kìa!
Tôi vô cùng ngượng ngùng, còn Thuyết xấu hổ đỏ bừng hai má. Chúng tôi không thể đứng dậy nổi, vì ngồi ở một tư thế gò bó quá lâu.
- Chú ơi! Kéo giúp cháu lên với!
Thuyết cầu cứu. Tiếng cười rộn lên, lẫn trong mùi khói bom khét lẹt.
- Mình phải trở lại đơn vị thôi! Quá phép rồi!
- Tại máy bay Mỹ chứ tại mình đâu! Cứ bình tĩnh mà về!
Tôi tìm quanh không thấy chiếc xe đạp Phượng Hoàng đâu cả. Chắc nó bị hơi bom thổi bay đi hoặc bị vùi trong đống gạch ngói kia. Thuyết nhanh nhẹn dắt ra chiếc xe Thống Nhất nữ còn mới:
- Lấy xe mình mà đi! Hôm nào Thuyết đi tàu điện xuống Hà Đông chơi, sẽ mang về!
Bây giờ đã là hai giờ chiều, tôi lẽ ra phải có mặt ở đơn vị lúc mười giờ. Muộn gần bốn tiếng. Ra khỏi Ngã Tư Sở, một đội cảnh sát giao thông dừng xe mọi người lại. "Nội bất xuất, ngoại bất nhập".
- Đồng chí quay lại chỗ cũ đi! Có lệnh cấm rồi!
- Không! Tôi phải về đơn vị trực
chiến đấu!
- Đơn vị đồng chí ở đâu?
- Ở thị xã Hà Đông!
- Có mấy cây số, nên phải đi nhanh
lên đấy!
Tôi guồng chân đạp xe, trong lòng đầy lo lắng. Muộn giờ phép thì không sao chứ làm mất xe tiếp phẩm là phải đền. Chiếc xe Phượng Hoàng mới giá hai trăm sáu mươi đồng, mà phải có phiếu phân phối mới mua được. Phải xin bố chiếc xe Vĩnh Cửu của nhà đem xuống đền thôi. Phượng Hoàng với Vĩnh Cửu thì cũng đều là xe Trung Quốc cả. Thủ trưởng đơn vị yêu cầu tôi viết bản tường trình. Trong buổi sinh hoạt toàn trường, thủ trưởng nhắc nhở anh em khi ra khỏi đơn vị, không nên đi xa, cần cảnh giác vì bọn Mỹ bắt đầu leo thang dùng B52 đánh phá ra Hà Nội, Hải Phòng. Trường hợp của tôi, do hoàn cảnh đặc biệt, nên không phải bồi thường chiếc xe. Tôi ghi trong sổ nhật ký: "Chủ nhật 16 tháng 4 năm 1972, máy bay Mỹ đánh bom vào Hà Nội, mình làm mất chiếc xe tiếp phẩm...".
Thuyết cũng không kịp xuống Hà Đông thăm tôi và lấy xe đạp về. Mọi chuyện bị đảo lộn hết. Mấy ngày sau hôm chủ nhật đáng nhớ ấy, Hà Nội có lệnh triệt để sơ tán. Đêm đêm, từng đoàn người với xe đạp, xe ba gác dài dằng dặc ra khỏi nội thành. Tôi đứng trước cổng đơn vị, buồn rầu nhìn đoàn người nối tiếp nhau đi qua, không biết có gia đình Thuyết ở trong đám đông ấy không?
Hai ngày tiếp theo, lớp học của tôi cũng được sơ tán về một vùng quê huyện Chương Mỹ. Chiếc xe đạp Thống Nhất lại có dịp theo tôi với cuộc chu du mới. Có chiếc xe, tôi thấy như có Thuyết bên cạnh, thoang thoảng mùi mồ hôi lẫn hương xà phòng thơm và đôi môi khô nóng. Chúng tôi mất liên lạc hoàn toàn. Xong lớp tập huấn, tôi lại lẽo đẽo đạp xe về đơn vị, cách Hà Nội hơn một trăm cây số.
Sau này, tôi mới nhận được thư Thuyết. Gia đình đi sơ tán mãi trên Thái Nguyên. "Chiếc xe cứ để đấy! Bao giờ lấy chồng mình đem về". Tình hình chiến sự ở Hà Nội càng thêm ác liệt. Cuộc chiến đấu đánh trả không quân Mỹ kéo dài đến tận cuối năm ấy. Một lần, được phân công đi công tác về Hà Nội, tôi không khỏi bàng hoàng đau xót khi đi ngang khu phố Khâm Thiên. Khu phố quen thuộc
ngày nào giờ là một dãy phố đổ nát, đâu đó thoang thoảng mùi
khói nhang.


***
Mấy ông bạn nâng cốc tán thưởng câu chuyện tôi vừa kể. Bốn anh em cùng đơn vị, từ khi nghỉ hưu hay tập trung ở nhà ai đó, nhân dịp ngày 30 tháng 4.
- Câu chuyện hay thế, sao hôm nay lão mới kể?
- Hi hi! Còn phải xin phép bà xã đã!
Mấy người nhao nhao hỏi bà chủ nhà, liệu câu chuyện đúng bao nhiêu phần trăm. Bà vợ tôi bĩu môi:
- Các bác nghe gì cái lão chết nhát ấy!
Họ vô cùng ngạc nhiên khi biết chiếc xe đạp Thống Nhất hiện vẫn còn. Con gái lớn của vợ chồng tôi nhất định xin bố mẹ chiếc xe, để giữ làm kỷ niệm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháng Tư năm ấy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.