(HNMCT) - Từ xa xưa, cây đa, giếng nước, sân đình, cổng làng, chợ làng, đình đền, hội quán... đã đi vào ký ức của bao thế hệ người Hà Nội. Theo các nhà nghiên cứu, đó chính là những không gian công cộng giữ vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng. Từ những không gian ấy, sự gắn kết giữa người dân dần được tạo dựng, trở thành nét văn hóa đặc trưng.
Ông giáo Đặng Thiêm năm nay đã qua tuổi bát thập. Sinh ra và lớn lên ở làng Hoàng Xá, xã Hoa Đình, tổng Sơn Lãng, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên (nay thuộc thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), ông Thiêm vẫn nhớ như in dấu xưa chuyện cũ của chợ Đình làng Hoàng Xá. Ông bảo, đây là ngôi chợ lớn thứ hai của tỉnh Hà Đông xưa, sau chợ Đơ ở thị xã. Xưa, chợ chạy dọc làng, suốt từ đầu đình đến cửa chùa cuối làng, dài chừng 300m, rộng khoảng 20m. Một tháng chợ họp tới 18 phiên; ngày 1, ngày 6 chuyên bán hàng nông sản; ngày 2, ngày 7 chuyên mua bán trâu, bò; ngày 3, ngày 8 là chính phiên, chợ chẳng khác gì “bách hóa tổng hợp” với đủ các cầu hàng từ cầu hàng tấm, cầu hàng xén, cầu hàng thịt rồi cả khu hàng nan, hàng trầu cau, hàng hoa quả, khu sành sứ, khu đồ đồng, khu hàng điếu... Ngoài những nơi bán cố định, chợ còn có những gánh hàng rong phục vụ người ngồi sạp và khách vãng lai. Đặc biệt, vào phiên cuối năm và đầu năm, trai gái chưa vợ, chưa chồng thường rủ nhau đi chợ Đình cắt đúm (một lối đi chợ cầu duyên của người xưa).
Chợ xưa dẫu không còn nhưng không gian công cộng của chợ làng ngày ấy vẫn luôn là ký ức mà ông giáo Thiêm mang theo. Không chỉ đơn thuần là nơi bán mua, chợ xưa còn là một không gian văn hóa phản ánh lối sống của từng vùng đất, từng cộng đồng người.
Và đâu phải chỉ có chợ làng, những giếng nước, sân đình, cổng làng, đền, quán... cũng chính là không gian công cộng đã được ông cha ta xây dựng như một sợi dây gắn kết người dân. Với vai trò của một trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đình làng không chỉ là nơi bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống mà còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa của người dân. Ngày nay, khi nhiều thiết chế văn hóa mới được hình thành thì đình làng vẫn là nơi diễn ra các sự kiện giao lưu, kết nối của cộng đồng, đặc biệt là việc tổ chức lễ hội.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yên Giang khi nhắc về làng Yên Lộ bên dòng sông Hát Giang (xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, nay là phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) vẫn chẳng thể nào quên những kỷ niệm thuở ấu thơ được tắm mình trong những điệu ca trù, chèo, tuồng nơi mái đình Yên Lộ. Những ký ức ấy còn trải dài trong những câu thơ khi ông viết về nơi “chôn nhau cắt rốn”: Tôi là con của làng Yên/ Tuổi thơ xưa mải mê trên sân đình/ Hội làng cờ biển lung linh/ Tính trời, nết đất nuôi mình lớn lên (bài thơ “Mái đình làng Yên”).
Trong cuốn “Tục hay lệ lạ Thăng Long - Hà Nội”, tác giả Bùi Dư khi viết về tục lệ xưa của làng Giáp Nhị (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) có nhắc tới tục trọng thọ của làng gắn với không gian của đền Ông Thọ (Thọ Ông Từ) được xây dựng năm Canh Tý (1780). Ngôi đền lợp ngói, xây trên nền đất tốt ở phía đông làng, bên cạnh con sông Sét, phía trước là cái ao tròn nổi lên một gò đất cao ở giữa, có cây gạo lớn, cành lá xum xuê, cuối xuân hoa nở đỏ cả một vùng. Đền Ông Thọ là nơi tôn vinh các bậc tiên lão trong làng. Trải qua chiến tranh, đền và bệ thờ bị đổ nát, đến năm 1996, đền được dựng lại và việc phụng thờ, tôn vinh các bậc tiên lão lại tiếp tục được duy trì theo nghi thức cổ truyền.
Ở các làng quê vùng Đồng bằng Bắc Bộ nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng hiện vẫn còn dấu tích của những giếng cổ, trong đó có những giếng có niên đại tới hàng trăm năm. Như làng Đại Phùng, huyện Đan Phượng có tới 3 giếng đào lớn có niên đại hơn 100 năm là giếng Chùa, giếng Xủ (Thủ) và giếng Cây Sung. Sử làng còn ghi “đường kính miệng giếng chừng vài chục thước tây, được xây bao quanh bằng tường gạch cao chừng 1 thước, có cả bậc xây cho người xuống lấy nước”.
Xưa, khi chưa có nguồn nước máy, giếng khoan thì giếng làng chính là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu cho người dân như nguồn sữa mẹ ngọt lành nuôi dưỡng bao thế hệ trưởng thành. Cũng bởi thế mà giếng làng đã trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, “lắng nghe” nhịp sống thường ngày. Người ra giếng gánh nước về ăn, người đến giếng tắm giặt, tranh thủ chuyện trò, trai gái trong làng chọn giếng làm nơi hò hẹn, lũ trẻ trong làng kéo nhau đến sân giếng để đùa vui...
Có thể nói, không gian công cộng xưa gắn với giếng nước, sân đình, cổng làng, chợ làng, đền, hội quán..., không chỉ tạo ấn tượng về mặt thẩm mỹ mà còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, là nơi lưu giữ ký ức, tạo dựng sự gắn kết cư dân, làng xóm. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, nhất là khi Hà Nội đang bước vào hành trình xây dựng thành phố sáng tạo thì việc gìn giữ, phát huy giá trị của những không gian công cộng xưa là vô cùng cần thiết. Bởi lẽ, là một thành phố hiện đại và đổi mới nhưng hồn cốt của Thủ đô văn hiến vẫn lắng sâu trong những dấu tích còn hiện diện nơi phố cũ, làng xưa. Gợi nhắc ký ức đẹp đẽ về những không gian công cộng xưa biết đâu lại khơi nguồn cảm hứng cho những thiết kế không gian công cộng mới của Hà Nội hôm nay, để nó lại được tái hiện một cách sáng tạo trên cơ sở tiếp nối và phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.