(HNMO) – Tính đến 6h ngày 5-6, thế giới có 6.681.747 người mắc Covid-19, trong đó có 392.017 người tử vong và 3.228.015 người bình phục.
Châu Âu
Ngày 5-6, theo AP, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhận định nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang đối mặt với tình trạng suy thoái chưa từng có do tác động của dịch Covid-19, đồng thời cho rằng những dấu hiệu đầu tiên của việc phục hồi sau khi nới lỏng lệnh phong tỏa vẫn còn mờ nhạt.
Theo ECB, do các biện pháp phong tỏa làm gián đoạn nguồn cung và giảm nhu cầu trong những tháng vừa qua, tăng trưởng kinh tế Eurozone sẽ giảm mạnh ở mức 8,7% trong năm 2020. Bà Lagarde đánh giá trong bối cảnh các nước đang dần mở cửa trở lại, những dấu hiệu của suy thoái hiện đã không còn, tuy nhiên, tình trạng phục hồi khá yếu so với mức giảm mạnh của các chỉ số kinh tế trong những tháng trước đó. ECB dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ giảm ở mức kỷ lục trong quý II-2020 trước khi phục hồi trở lại.
Theo bà Lagarde, mức độ suy thoái của Eurozone trong năm nay sẽ phụ thuộc lớn vào thời gian áp dụng và mức độ hiệu quả của các biện pháp hạn chế, cũng như những chính sách giảm nhẹ tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng. ECB dự báo kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng ở mức 5,2% trong năm tới và 3,3% trong năm 2022 nhờ vào những gói kích thích quy mô lớn từ các chính phủ thành viên và ECB.
Về lạm phát, ECB cho rằng ảnh hưởng của đại dịch sẽ khiến lạm phát chỉ giảm ở mức 0,3% trong năm nay, thấp hơn so với dự báo trước đó là 1,1%. Dự báo giá hàng hóa sẽ tăng tới 0,8% trong năm 2021 và 1,3% trong năm 2022. Về trung hạn, nhu cầu suy yếu sẽ tạo áp lực khiến lạm phát giảm theo.
Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Âu đang triển khai các bước đưa cuộc sống trở lại bình thường. Bộ trưởng Du lịch Tây Ban Nha Reyes Maroto thông báo sẽ mở lại biên giới trên bộ với Pháp và Bồ Đào Nha vào ngày 22-6 tới sau 3 tháng đóng cửa do dịch Covid-19. Bà Maroto cho biết những người nhập cảnh sẽ không còn phải cách ly bắt buộc 14 ngày.
Thụy Điển đã trải qua thời kỳ đỉnh dịch và bắt đầu mở rộng quy mô xét nghiệm tầm soát vi rút SARS-CoV-2. Chính phủ nước này cho biết Stockholm cam kết chi thêm 5,9 tỷ kronor (tương đương 633,54 triệu USD) để tăng cường truy soát các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Tất cả những người có triệu chứng của Covid-19 đều sẽ được tiến hành xét nghiệm. Song song với đó, các xét nghiệm kháng thể của vi rút SARS-CoV-2 cũng sẽ được thực hiện để sàng lọc tất cả những người nghi ngờ mắc bệnh.
Châu Mỹ
Hiện hàng trăm phòng thí nghiệm trên toàn cầu đang chạy đua để phát triển vắc xin phòng Covid-19. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã có 133 loại vắc xin đang được phát triển với 10 loại hiện được thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ, Anh và Trung Quốc. Số vắc xin còn lại đang trong giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng.
Chính phủ Canada đã lên phương án tiêm chủng trên diện rộng khi có vắc xin phòng Covid-19. Bộ trưởng Mua sắm và Dịch vụ công Anita Anand cho biết, Canada đã ký một thỏa thuận mua 37 triệu liều vắc xin với chi nhánh của Tập đoàn y tế đa quốc gia Becton-Dickinson tại Canada, để đảm bảo có đủ vắc xin cho hầu hết người dân nước này (37.894.790 người).
Châu Phi
Cùng ngày, nội các Nam Phi đã thông qua quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp cấp quốc gia thêm một tháng cho đến hết ngày 15-7, trong bối cảnh tốc độ lây lan của dịch bệnh ngày càng gia tăng.
Quyết định được thông qua giữa lúc Tòa thượng thẩm Bắc Gauteng đưa ra phán quyết rằng các quy định liên quan đến lệnh phong tỏa mà Chính phủ Nam Phi đang áp dụng là vi hiến và vô căn cứ. Thẩm phán Norman Davis cho rằng, các quy định trên đã vi phạm quyền tự do của công dân và yêu cầu chính phủ phải tiến hành sửa đổi trong vòng 14 ngày.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống Jackson Mthembu cho rằng các quy định trong lệnh phong tỏa mà nước này đang áp dụng là hoàn toàn hợp pháp, do đó chính phủ nước này sẽ thực hiện việc kháng cáo đối với những phán quyết trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.