(HNM) - Ngày 5-3, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiến hành thẩm tra dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Đánh giá hoạt động này đang bộc lộ những hạn chế do một số quy định còn trùng lặp, chưa rõ ràng, cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện.
Nhiều hình thức giám sát nhưng lại chưa phân định rõ thẩm quyền cũng như sự phối hợp giữa các chủ thể giám sát dẫn tới sự chồng chéo trong thực hiện. Hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND thông qua tổ chức phiên giải trình, tổ chức chất vấn giữa hai kỳ họp được cử tri ghi nhận, đánh giá cao lại chưa được ghi nhận ở tầm luật. Từ đó, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị xây dựng cơ chế tháo gỡ những bất cập trên trong dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Trong đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc yêu cầu, kết luận, kiến nghị về giám sát. Với quy định "đối tượng chịu sự giám sát có quyền từ chối trả lời, cung cấp thông tin thuộc bí mật nhà nước" do ban soạn thảo đề xuất, nhiều ý kiến cho rằng dễ dẫn đến trường hợp đối tượng chịu sự giám sát sẽ lạm dụng, gây khó khăn, né tránh, cản trở việc thực hiện quyền giám sát của Quốc hội và HĐND. Do đó nên bỏ nội dung trên, đồng thời bổ sung quy định cơ quan tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
Cùng ngày, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thẩm tra dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.