Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chia sẻ kinh nghiệm hoạt động giám sát các cơ quan tư pháp

Tuấn Việt| 24/02/2023 11:35

(HNMO) - Sáng 24-2, tại huyện Ba Vì, Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban chuyên đề với Ban Pháp chế HĐND các quận, huyện, thị xã năm 2023 về kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng giám sát hoạt động của cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp. Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên tham dự.

Quang cảnh hội nghị.

Chia sẻ những kinh nghiệm hay

Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Duy Hoàng Dương, trong thời gian qua, công tác giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp đã được HĐND các cấp của thành phố quan tâm thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật về hình thức giám sát. Tuy nhiên, kết quả hoạt động giám sát của các cơ quan này ở mỗi cấp, mỗi địa phương có khác nhau. Số lượng các cuộc giám sát các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp của các địa phương là khác nhau, đặc biệt là giám sát chuyên đề. Việc xác định lựa chọn chủ đề, nội dung giám sát cụ thể còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Chất lượng các cuộc giám sát này ở các địa phương còn chưa đồng đều, một số đơn vị còn hạn chế.

Tại hội nghị, tham luận về hoạt động giám sát cơ quan tư pháp, đại diện Ban pháp chế HĐND các quận, huyện, thị xã cho rằng, mỗi đại biểu cần tự trang bị kiến thức chuyên sâu, trau dồi nghiệp vụ, tìm hiểu văn bản mới và các quy định hiện hành để áp dụng. Chủ tọa điều hành giám sát, thẩm tra, chất vấn lĩnh vực tư pháp cần thực hiện đúng quy định, linh hoạt, sáng tạo; nắm chắc và sâu từng nội dung, vấn đề, lĩnh vực, tạo không khí sôi nổi, thẳng thắn để các đại biểu tham gia ý kiến trên tinh thần xây dựng. 

Cũng theo một số đại biểu HĐND các quận, huyện, ngoài thực hiện giám sát theo kế hoạch, các Ban Pháp chế cần thực hiện giám sát đột xuất; kịp thời theo sát, nắm bắt diễn biến thực tiễn hoạt động của bộ máy cơ quan tư pháp, đặc biệt là cơ quan điều tra, truy tố, xét xử. Bởi thực tiễn, tâm lý một số cơ quan tư pháp không muốn bị giám sát, tạo “rào cản” cho cơ quan giám sát; vì thế, mỗi đại biểu cần tham gia có trách nhiệm, tự nâng cao kiến thức, vận dụng đúng các quy định của Luật trong quá trình giám sát, để từng bước phá vỡ “rào cản” trong việc “ngại”, “né tránh” giám sát của cơ quan tư pháp.

Tăng cường lãnh đạo hoạt động giám sát cơ quan tư pháp

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên khẳng định, đây là hội nghị giao ban chuyên đề trực tiếp đầu tiên của nhiệm kỳ 2021-2026 giữa Ban Pháp chế HĐND thành phố và các quận, huyện, thị xã. Tư pháp là một lĩnh vực hết sức quan trọng, giám sát hoạt động của các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp là một nội dung khó và mang tính chuyên sâu.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Hội nghị đã trao đổi những kinh nghiệm hay, cách làm mới, sáng tạo của các đơn vị; cũng như thảo luận để đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng giám sát hoạt động của các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp.

Để hoạt động giám sát ngày càng chuyên sâu, hiệu quả, đồng chí Phạm Quí Tiên đề nghị Ban Pháp chế HĐND thành phố và các quận, huyện, thị xã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy và các quận, huyện, thị ủy trong quá trình triển khai thực hiện. Quy trình tổ chức giám sát phải đúng quy định của pháp luật, bám sát theo Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12-9-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND; đồng thời bám sát các nội dung, chỉ tiêu và giải pháp được nêu trong Đề án số 15-ĐA/TU ngày 12-5-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy.

Ngoài ra, việc lựa chọn những nội dung giám sát là những việc được cử tri tại địa phương quan tâm qua các kênh tiếp xúc cử tri, thông tin truyền thông, báo chí… Kết hợp giám sát qua báo cáo với giám sát, làm việc trực tiếp, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu kỹ lưỡng. Trên cơ sở kết quả giám sát chuyên đề, kết quả thẩm tra báo cáo hoạt động của các cơ quan tư pháp và các vấn đề cử tri quan tâm; có thể lựa chọn vào nhóm lĩnh vực để đưa vào chất vấn tại kỳ họp thường lệ của HĐND. Xây dựng báo cáo thẩm tra, báo cáo kết quả giám sát cần đảm bảo tính chính xác; có kiến nghị cụ thể, tránh chung chung; cố gắng kiến nghị, yêu cầu phải gắn với trách nhiệm và thời gian cụ thể để đối tượng giám sát thực hiện.

Tăng cường theo dõi, đôn đốc, tái giám sát các các cơ quan được giám sát trong việc thực hiện các kiến nghị qua giám sát của HĐND, Ban Pháp chế HĐND đối với hoạt động của các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp. Đồng thời, các đơn vị được giám sát có thể nêu vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, tránh tình trạng để lâu do không có tính khả thi để thực hiện. Đây là điểm yếu hiện nay cần được quan tâm. 

Thay mặt Thường trực HĐND thành phố, đồng chí Phạm Quí Tiên đề nghị Ban Pháp chế HĐND thành phố tiếp tục làm tốt công tác tham mưu Đảng đoàn HĐND thành phố; rà soát, nghiên cứu, báo cáo đề xuất với HĐND, Thường trực HĐND thành phố để thực hiện tốt công tác giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong đó cần bám sát các chỉ đạo của Thành ủy, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Thành ủy (thông qua các chương trình, kế hoạch, đề án), thực tiễn hoạt động của các cơ quan tư pháp. 

Đối với Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã, đồng chí Phạm Quí Tiên đề nghị tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp. Hằng năm, bám sát các chương trình, kế hoạch của Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, cấp ủy cùng cấp để chỉ đạo thực hiện giám sát theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo Ban Pháp chế xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát thường kỳ và giám sát chuyên đề đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp cùng cấp. Chỉ đạo việc phối hợp giữa các Ban HĐND với các cơ quan liên quan trong việc thực hiện báo cáo, cung cấp tài liệu phục vụ việc giám sát. Quan tâm đến bộ máy giúp việc của HĐND và các Ban của HĐND bảo đảm công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ cho hoạt động của HĐND.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chia sẻ kinh nghiệm hoạt động giám sát các cơ quan tư pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.