(HNM) - Italia đang đối mặt với nguy cơ bế tắc chính trị sau khi kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội công bố ngày 26-2...
Theo Bộ Nội vụ Italia, sau khi kết thúc kiểm phiếu, tại Hạ viện, Liên minh trung tả do nhà lãnh đạo Luigi Pier Bersani đứng đầu giành chiến thắng với tỷ lệ 29,54% phiếu bầu. Liên minh trung hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi về thứ 2 với tỷ lệ 29,18%. Đảng Phong trào 5 sao của danh hài Beppe Grillo giành được 25,55%. Liên minh trung dung của Thủ tướng tạm quyền Mario Monti đứng thứ 4 với số phiếu khá khiêm tốn 10,56%.
Thị trường chứng khoán thế giới đã có phiên giảm điểm bất thường sau khi kết quả bầu cử Italia được công bố. |
Tại Thượng viện, Liên minh trung hữu của cựu Thủ tướng S.Berlusconi giành 30,72% (116 ghế), Liên minh trung tả nhận được 31,63% phiếu bầu (113 ghế). Phong trào 5 sao về thứ 3 với 23,79%. Tiếp theo là Liên minh trung dung với 9,13%.
Điểm chú ý về bầu cử Thượng viện là Italia chia thành 20 vùng, bầu ra 315 Thượng nghị sỹ theo tỷ lệ dân số. Một đảng hoặc liên minh chính đảng giành được kết quả đa số trong cuộc bầu cử Thượng viện tại một vùng sẽ tự động được phân bổ ít nhất 55% số ghế Thượng nghị sỹ của vùng. Như vậy, một đảng giành được tỷ lệ phiếu bầu ít hơn tại Thượng viện (xét tổng cộng) nhưng vẫn có thể giành được nhiều ghế nhất do thắng tại các vùng quan trọng. Vì thế, Liên minh trung hữu dù giành được tỷ lệ phiếu ít hơn nhưng vẫn sở hữu nhiều ghế hơn so với Liên minh trung tả trong cuộc đua vào Thượng viện. Tuy nhiên, không một đảng phái hoặc liên minh nào chiếm đa số ghế trong Thượng viện để có thể thành lập chính phủ. Điều này có nguy cơ đẩy Quốc hội Italia rơi vào tình thế "treo" do bất đồng quan điểm giữa các đảng hiện nay là khá lớn. Và, các cuộc đàm phán thành lập liên minh cầm quyền được dự báo sẽ rất khó khăn. Kết quả cuộc bầu cử trái ngược với những kỳ vọng về cơ hội tạo đồng thuận để Italia giải quyết cuộc suy thoái sâu, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao cùng món nợ công khổng lồ.
Ngay khi kết quả bầu cử được công bố, thị trường tài chính Italia đã có những phản ứng tiêu cực vì trước đó nhịp đập "tài chính" này đã kỳ vọng vào một chiến thắng tuyệt đối cho phe trung tả của ông L.Bersani - vốn nhận được sự ủng hộ của cựu Thủ tướng kỹ trị Mario Monti. Các thị trường tài chính toàn cầu cũng tỏ ra thất vọng với triển vọng chính trị không mấy sáng sủa của Italia. Chỉ số Dow Jones của Mỹ giảm hơn 200 điểm, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 11-2012. Các thị trường chứng khoán Châu Á cũng sụt giảm trong phiên giao dịch đầu ngày 26-2.
Kết quả bầu cử Quốc hội là một đòn giáng mạnh vào nhà lãnh đạo trung tả L.Bersani, khi không thể tận dụng lợi thế vượt trội trong các cuộc thăm dò ý kiến trước đó so với phe trung hữu của cựu Thủ tướng S.Berlusconi. Trong khi đó, ông S.Berlusconi đã đánh dấu một sự trở lại ngoạn mục sau những bê bối tình dục và tham nhũng buộc ông phải từ chức. Mặc dù Thủ tướng M.Monti từng cảnh báo người dân Italia rằng "cơn đại hỏa hoạn tài chính" có nguy cơ bùng phát trở lại nếu như họ nghe theo S.Berlusconi và lời hứa của ứng cử viên này. Nhưng trên thực tế, tầng lớp trung lưu Italia vẫn dành sự ủng hộ cho chính trị gia nhiều tai tiếng với cam kết chấm dứt chính sách "thắt lưng buộc bụng" đang bị tẩy chay trên toàn Châu Âu và sự lựa chọn của tầng lớp này đã tiếp sức cho ứng viên S.Berlusconi.
Trong bối cảnh hiện nay, có dự đoán rằng Liên minh trung tả của ông L.Bersani sẽ kết hợp với khối trung dung của Thủ tướng M.Monti - hai nhà lãnh đạo có đường lối tranh cử khá tương đồng - để có thể ra mắt một Chính phủ mới. Thế nhưng, dù cho liên minh này thành công và ông L.Bersani - chính khách được nhiều người dân Italia kỳ vọng với khẩu hiệu "Làm những gì Italia cần" - lên làm Thủ tướng, thì công cuộc khôi phục nền kinh tế đứng thứ tư thế giới cũng không dễ dàng.
Theo số liệu thống kê mới nhất, sau 15 tháng cải cách, kinh tế Italia hầu như không tăng trưởng và thậm chí suy giảm tới 2,2% trong năm 2012 với 104.000 doanh nghiệp phá sản do khủng hoảng kinh tế. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp lại ở mức cao nhất 11,2% và sức mua giảm mạnh. Mọi dự báo cho thấy tăng trưởng chỉ trở lại với một trong những trụ cột kinh tế của Liên minh Châu Âu (EU) sớm nhất là cuối năm 2013.
Trong trường hợp các chính đảng không tìm được "tiếng nói chung" để thành lập liên minh cầm quyền, Italia sẽ buộc phải bầu cử lại. Đây là kịch bản tồi tệ cho những thị trường đang trông chờ quốc gia bên bờ Địa Trung Hải tiếp tục có những cải cách để vượt qua khó khăn hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.