Theo dõi Báo Hànộimới trên

Iran tuyên bố tái làm giàu uranium: “Lò lửa” Trung Đông tăng nhiệt

Hoàng Linh| 19/06/2019 06:58

(HNM) - Ngày 17-6, Iran tuyên bố trong vòng 10 ngày tới sẽ vượt ngưỡng giới hạn dự trữ uranium 300kg - động thái báo hiệu nước này sẽ khôi phục các hoạt động hạt nhân như từng cảnh báo trước đó.


Để khẳng định bước đi cứng rắn của mình, ngày 17-6, Người phát ngôn Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi cho biết, kể từ ngày 27-6, Iran sẽ phá vỡ giới hạn về dự trữ uranium theo thỏa thuận hạt nhân mà nước này ký với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức) vào năm 2015, hay còn gọi là JCPOA. Cụ thể, Tehran sẽ tăng cường hoạt động sản xuất uranium lên gấp bốn lần, đồng thời tỷ lệ làm giàu uranium (đồng vị U-235) có thể được tăng lên ngưỡng từ 5% đến 20%, thay vì dưới mức 3,67% như trước.

Quyết định của Iran được xem là lời cảnh báo sẽ khôi phục các hoạt động hạt nhân.


Theo các nhà phân tích, mức làm giàu uranium tới 20% vẫn thấp hơn nhiều ngưỡng 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân. Như vậy, hành động mới của Iran chủ yếu nhằm gây sức ép với các nước ký thỏa thuận, sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA. Đây cũng là lý do khiến ông Kamalvandi tuyên bố rằng châu Âu “vẫn còn thời gian” để cứu vãn JCPOA. Là một bên ủng hộ mạnh mẽ JCPOA, EU tới nay vẫn cam kết hỗ trợ Iran đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, việc Lục địa già chưa có được những bước đi mạnh mẽ khiến Nhà nước Hồi giáo mất dần kiên nhẫn.

Về phần mình, Mỹ cho rằng quyết định tăng mức dự trữ và tỷ lệ làm giàu uranium của Iran là động thái “tống tiền hạt nhân” và kêu gọi quốc tế tiếp tục gia tăng áp lực lên Tehran. Điều này khiến giới quan sát đặc biệt lo ngại, bởi diễn biến căng thẳng ở Vịnh Persian đang ở mức đáng báo động, đặc biệt là sau khi tàu chở dầu Kokura Courageous của Nhật Bản và Front Altair của Na Uy bị tấn công bằng chất nổ trên Vịnh Oman sáng 13-6.

Hiện, Washington và một số đồng minh cáo buộc Iran đứng sau sự việc, dù Tehran kiên quyết bác bỏ và kêu gọi mở cuộc điều tra nhằm làm rõ quy mô cũng như tìm ra thủ phạm. Theo Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan, những cuộc tấn công gần đây của Iran chứng tỏ độ tin cậy của thông tin tình báo về hành vi thù địch có thể đe dọa lực lượng, lợi ích của Mỹ tại khu vực. Đây là nguyên nhân khiến Mỹ điều thêm 1.000 quân tới Trung Đông. Anh cũng thông báo sẽ triển khai 100 binh sĩ thủy quân lục chiến nhằm thành lập Nhóm tác chiến thường trực số 19 có nhiệm vụ tuần tra trong khu vực vùng biển quanh căn cứ hải quân của nước này ở Vịnh Persian.

Dù Lầu Năm Góc khẳng định, việc tăng cường quân đội không nhằm gây chiến với Iran nhưng sự hiện diện của các lực lượng chiến đấu Mỹ và Anh chẳng khác nào đổ thêm dầu vào “lò lửa” Trung Đông vốn đang nóng rực.

Nghiêm trọng hơn, căng thẳng Mỹ - Iran có nguy cơ sẽ kéo theo nhiều quốc gia liên quan vào cuộc, thổi bùng nguy cơ đối đầu trên diện rộng. Thực tế, tới nay chỉ có Anh và Saudi Arabia là hai nước lớn hiếm hoi đồng tình với Mỹ. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác như Đức, Pháp, Nhật Bản…, đều tỏ ra khá thận trọng trước những cáo buộc và bằng chứng Washington đưa ra.

Trong bối cảnh đó, bất kỳ hành động cứng rắn nào từ phía Iran cũng như Mỹ và các nước đồng minh cũng có thể châm ngòi cho một cuộc chiến với những hệ lụy khó lường. Hơn bao giờ hết, cộng đồng quốc tế cần thúc đẩy nỗ lực để sớm tìm được tiếng nói chung và đưa ra những hành động cụ thể để giảm nhiệt căng thẳng tại khu vực Trung Đông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Iran tuyên bố tái làm giàu uranium: “Lò lửa” Trung Đông tăng nhiệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.