(HNM) - Gần 4 tháng trôi qua kể từ ngày Liên minh Châu Âu (EU) phải họp khẩn để giải quyết cú sốc mang tên Brexit khi Anh trưng cầu dân ý từ bỏ tư cách thành viên của ngôi nhà chung 59 năm tuổi, nhiều vấn đề mới đã phát sinh mà những rắc rối cũ chưa được giải quyết.
Nhiều người tỏ ra nghi ngờ về kết quả sẽ đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh EU tại Brussels lần này. |
"Lộ trình Bratislava" mà khối này vạch ra tại cuộc gặp ở Czech hồi tháng trước nhằm khôi phục niềm tin của người dân trước cuộc khủng hoảng về sự tồn tại của EU đang đứng trước nhiều trở ngại, nhất là khi những mâu thuẫn nội bộ ngày càng khoét sâu thêm sự chia rẽ tồn tại lâu nay. Đây sẽ là những chủ đề “đốt nóng” Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra trong hai ngày 20 và 21-10 tại Brussel (Bỉ).
Bất đồng lớn nhất phải kể đến là giải pháp đối với cuộc khủng hoảng di cư. Dù kế hoạch phân bổ 120.000 người tị nạn từ Italia và Hy Lạp sang các quốc gia thành viên khác đã được các Bộ trưởng Nội vụ EU thông qua cách đây hơn một năm, nhưng đến nay Czech, Ba Lan, Hungary và Slovakia vẫn kiên quyết không chấp nhận cùng “gánh vác” khó khăn. Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh, chưa có dấu hiệu nào cho thấy các thành viên này sẽ thay đổi lập trường. Đức - quốc gia đi đầu triển khai kế hoạch tiếp nhận người di cư từ Trung Đông - Bắc Phi đã bắt đầu "nhuốm mệt" khi liên tục phải hứng chịu sức ép từ dư luận trong nước do lo ngại nguy cơ khủng bố, bất ổn và thâm hụt ngân sách. Trong khi đó, theo cảnh báo mới đây của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), nếu cuộc xung đột ở Syria không sớm chấm dứt, làn sóng người tị nạn chạy sang Châu Âu sẽ nhiều gấp bội và khiến cuộc khủng hoảng về người di cư trầm trọng hơn nhiều so với hiện nay.
Mâu thuẫn thứ hai có thể phủ bóng lên cuộc gặp mặt tại Brussel lần này là các biện pháp trừng phạt Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Những cấm vận về thương mại mà EU áp đặt với xứ sở Bạch dương đang vấp phải sự phản đối của không ít nước thành viên EU, trong đó có Hy Lạp, Síp, Hungary và Áo. Các số liệu gần đây nhất cho thấy, “cuộc chiến” thương mại giữa hai bên đã khiến nền kinh tế EU “bốc hơi” tới 44 tỷ euro và 900.000 người mất việc làm. Một số nước như Pháp, Ba Lan đang thúc đẩy để đưa ra các biện pháp trừng phạt tiếp theo, tạo sức ép lên Mátxcơva về vấn đề Syria. Tuy nhiên, đây sẽ là một quyết định khó khăn vì mở rộng cấm vận với Nga, Cựu lục địa cũng sẽ phải gánh chịu thêm những thiệt hại cho nền kinh tế vốn vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau chuỗi khủng hoảng liên tiếp.
Vấn đề đáng chú ý tiếp theo mà các nhà lãnh đạo EU cần giải quyết là bất đồng liên quan tới Hiệp định Thương mại và kinh tế toàn diện với Canada (CETA). Trong bối cảnh chỉ còn một tuần nữa (ngày 27-10), hai bên dự định sẽ chính thức ký vào văn bản này thì các nhà lập pháp vùng nói tiếng Pháp Wallonie của Bỉ đã bỏ phiếu phủ quyết việc ký CETA, đồng thời yêu cầu quá trình đàm phán phải dựa trên những tiêu chuẩn mới và minh bạch hơn. Trước đó, hàng chục nghìn người đã biểu tình trước trụ sở EU tại Brussels để phản đối CETA cũng như Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương giữa EU và Mỹ (TTIP). Nhiều ý kiến lo ngại rằng, CETA sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm và mở đường cho một thỏa thuận tương tự với Mỹ, vốn được cho là đe dọa hạ thấp các tiêu chuẩn về tiêu dùng, quyền lao động, bảo vệ môi trường tại Châu Âu cũng như trong các lĩnh vực quan trọng như y tế và phúc lợi xã hội. Để gấp rút cứu vãn kết quả của 7 năm đàm phán, CETA đã trở thành một trong những trọng tâm của chương trình nghị sự, vì bất kỳ sự trì hoãn nào liên quan tới hiệp định sẽ gây rắc rối nghiêm trọng cho mục tiêu về một chính sách thương mại chung của EU.
Nếu theo đúng kế hoạch, vào tháng 3-2017, các nhà lãnh đạo EU sẽ gặp gỡ tại Rome (Italia) để chính thức thông qua "Lộ trình Bratislava" kéo dài 6 tháng cho vấn đề nhập cư, chống khủng bố, quốc phòng và kinh tế. Sự kiện này đang được kỳ vọng trở thành một dấu mốc nhằm kỷ niệm 60 năm thành lập EU. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo phải nỗ lực hết sức và chạy đua với thời gian mới có thể thống nhất được một tầm nhìn hậu Brexit.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.