Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, lực bán áp đảo trên thị trường hàng hoá đã kéo chỉ số MXV-Index đứt chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp, quay đầu giảm 0,27% xuống còn 2.328,36 điểm. Đáng chú ý, rủi ro địa chính trị giảm bớt khiến giá dầu hạ nhiệt.
Biến động mạnh của các mặt hàng đã kéo giá trị giao dịch tăng 20% lên gần 7.000 tỷ đồng.
Giá dầu thế giới hạ nhiệt trong bối cảnh các cuộc đàm phán ngừng bắn làm dịu bớt lo ngại về một cuộc xung đột ở Trung Đông.
Ngoài ra, sau hàng loạt dữ liệu cho thấy tình hình lạm phát còn tiềm ẩn, các nhà đầu tư hướng tới cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào rạng sáng 2-5 với sự thận trọng, vì kịch bản lãi suất cao có thể được duy trì lâu hơn dự kiến. Điều này sẽ ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng và nhu cầu tiêu thụ dầu thô.
Chốt phiên, giá dầu WTI giảm 1,45% xuống 82,63 USD/thùng. Dầu Brent giảm 1,14% xuống 87,20 USD/thùng.
Ngoài ra, Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) báo cáo lợi nhuận tại các công ty công nghiệp Trung Quốc giảm 3,5% trong 3 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023. Điều này cũng tạo áp lực cho giá dầu.
Trái lại, giá khí tự nhiên tăng hơn 5%, lên mức cao nhất 12 tuần, do nguồn cung có xu hướng thu hẹp.
Giá ca cao giảm gần 15,7% về mức thấp nhất trong 3 tuần và cũng là phiên giảm mạnh nhất từng được ghi nhận. Áp lực nguồn cung kết hợp cùng lực bán chốt lời đã tạo sức ép kép lên giá.
Ngoài ra, giá đường 11 tăng 3,61%, từ mức thấp nhất hơn 1 năm qua, khi khoảng 1 đến 1,5 triệu tấn đường Brazil dự kiến sẽ được giao theo hợp đồng.
Giá cà phê Robusta tăng nhẹ 0,31% do nguồn cung tiếp tục hạn hẹp. Tổng cục Thống kê ước tính, Việt Nam xuất khẩu 170.000 tấn cà phê trong tháng 4, giảm hơn 2 lần so với ước tính 400.000 tấn.
Giá cà phê Arabica cũng ghi nhận mức tăng 1,56%, do tồn kho Arabica giảm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.