Văn hóa

Phú Xuyên xây dựng con người, miền quê văn hóa

Bạch Thanh 30/04/2024 - 10:37

Nhiều giá trị văn hóa được lưu giữ cùng con người cần cù, sáng tạo đang tạo sức bật cho huyện Phú Xuyên phát triển kinh tế - xã hội...

Phát triển cùng các giá trị văn hóa

Xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên) gắn liền với địa danh Cầu Giẽ Anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Phú Yên hiện có 4 thôn với 1.626 hộ, 5.850 nhân khẩu. Xã có nhiều nghề thủ công truyền thống như giày da, may mặc, chăn nuôi, ấp nở gia cầm... 3/4 thôn được thành phố công nhận làng nghề. Năm 2023, Phú Yên được thành phố công nhận điểm du lịch làng nghề giày da; có trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Bí thư Chi bộ thôn Giẽ Hạ (xã Phú Yên) Đỗ Quang Bằng chia sẻ: Với sự quan tâm phát triển đồng bộ, Phú Yên đang trở thành miền quê trù phú cùng các giá trị văn hóa được lưu giữ.

Tương tự, không chỉ là miền quê hiếu học, xã Tri Trung còn là cái nôi sinh dưỡng nhiều thế hệ tài năng cùng các giá trị văn hóa phi vật thể luôn được gìn giữ, phát triển.

vn-pxuyen3.jpg
Xã Tri Trung luôn quan tâm tạo điều kiện phát triển câu lạc bộ chèo, thu hút nhiều thế hệ tham gia gìn giữ nghệ thuật truyền thống. Ảnh: Sơn Tùng

Bà Nguyễn Thị Mai (thôn Trung Lập, xã Tri Trung) chia sẻ: Ở Tri Trung, mỗi gia đình luôn là thành trì, pháo đài vững chắc nuôi con cháu học hành thành tài. Năm nào địa phương cũng có hàng chục học sinh xuất sắc, thi đỗ vào các trường đại học top đầu của cả nước. Các thiết chế văn hóa cơ sở như hệ thống thư viện, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa phát triển khá đồng bộ với nhiều loại hình hoạt động, câu lạc bộ, đội, nhóm, các lớp năng khiếu...

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tri Trung Ngô Văn Hùng, đầu tư cho con người phát triển toàn diện là tạo nên một trong những nòng cốt xây dựng, giữ gìn giá trị văn hóa địa phương.

Bà Lê Thị Nhuệ Phái - Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật hát chèo, đang sinh hoạt tại Câu lạc bộ chèo Trung Lập, xã Tri Trung cho biết: Bằng cách quan tâm, hỗ trợ các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, đặc biệt là hoạt động biểu diễn và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể, Phú Xuyên đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa địa phương...

Tiếp tục xây dựng quê hương trên nền tảng truyền thống

Ở Phú Xuyên, những địa danh: Phú Nhiêu, Chanh Thôn, Xuân La, Phúc Lâm, Đa Chất, làng Diền, Cát Bi… đã gắn với những câu ca, điệu hò say lòng người. Ngoài sự nỗ lực của người dân, huyện còn huy động được toàn hệ thống chính trị cùng bảo vệ các di sản, nòng cốt là các tổ chức chính trị - xã hội, Đoàn thanh niên và đông đảo nhân dân địa phương...

phu-yen3.jpg
Phong trào văn hóa, thể dục - thể thao tại xã Phú Yên ngày càng phát triển. Ảnh: Sơn Tùng

Thời gian qua, Phú Xuyên đã hỗ trợ kinh phí để bảo tồn, duy trì công tác truyền dạy các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của huyện như: Ca trù Chanh thôn, xã Nam Tiến; hát trống quân xã Phúc Tiến; hò cửa đình - múa bài bông, xã Quang Trung; các câu lạc bộ (tò he xã Phượng Dực, UNESCO xã Hồng Minh, hát chèo xã Tri Trung...). Từ cuối năm 2023 đến nay, huyện đã xây dựng kế hoạch truyền dạy, trình diễn di sản nặn tò he cho 16 trường học trên địa bàn.

Qua 3 đợt phong tặng của Nhà nước, huyện vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu 6 Nghệ nhân Nhân dân, 25 Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể...

Ngoài ra, Phú Xuyên cũng xây dựng mô hình tự quản như: Gia đình, dòng họ tự quản, xóm tự quản, khu dân cư tự quản. Huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn duy trì hoạt động của 13 cụm liên kết về an ninh trật tự, 146 tổ hoà giải, 53 câu lạc bộ cựu chiến binh, 39 câu lạc bộ phụ nữ, 45 đội thanh niên xung kích, 1.773 dòng họ tự quản về an ninh trật tự, 68 câu lạc bộ phòng chống tội phạm về tệ nạn xã hội... góp phần tích cực giải quyết, hạn chế mâu thuẫn, vụ việc phát sinh ngay tại cơ sở; tích cực phê phán, ngăn chặn hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, thiếu văn hóa, không phù hợp với truyền thống của người Hà Nội...

phu-yen2.jpg
Diện mạo trù phú, bình yên, sạch đẹp của xã nghề Phú Yên. Ảnh: Sơn Tùng

Theo Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh, thời gian tới, huyện tiếp tục quy hoạch, xây dựng, mở rộng hệ thống cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở, tạo môi trường thuận lợi để các loại hình văn hóa, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ hơn...

Với quan điểm con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh bảo đảm phát triển bền vững, huyện tiếp tục tạo môi trường, tập hợp người tài cho khoa học, công nghệ; xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh; phát triển toàn diện, đồng bộ lĩnh vực văn hóa, phát huy giá trị tốt đẹp của dân tộc kết hợp tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại... Huyện tiếp tục hỗ trợ hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể; thúc đẩy hoạt động nghệ thuật văn hóa trong cộng đồng...

Phú Xuyên có truyền thống văn hóa lâu đời với 120 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng; 157/157 làng, cụm dân cư có nghề (chiếm 100%), 43 làng nghề được UBND thành phố Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống.

Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị văn hoá phi vật thể như hò cửa đình, múa bài bông ở Phú Nhiêu, Quang Trung; ca trù ở Chanh Thôn, Văn Nhân; nặn tò he ở làng Xuân La, Phượng Dực...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Xuyên xây dựng con người, miền quê văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.